Việt Nam tích cực tham gia đàm phán Hiệp định TPP

Chung Thủy
Chia sẻ
(VOV5) - Hiện Việt Nam đã hoàn thành đàm phán TPP với Nhật Bản và đang xúc tiến đàm phán với Hàn Quốc.
(VOV5) - Ngay từ những ngày đầu năm nay, Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã bắt đầu các phiên họp nhằm giải quyết các bất đồng để hướng tới mục tiêu cuối năm 2014, Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực. 

Việt Nam tích cực tham gia đàm phán Hiệp định TPP - ảnh 1

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương là Hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, được coi là hiệp định kiểu mẫu của thế kỷ 21, với các thành viên tham gia, gồm: Brunei, Australia, Canada, Chile, Hoa Kỳ, Malaysia, Mexico, Nhật Bản, New Zealand, Peru, Singgapore và Việt Nam. Đến nay, TPP đã hoàn tất 19 vòng đàm phán chính thức và đang bước vào giai đoạn quyết định với các lĩnh vực đàm phán là: Mở cửa thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, thương mại điện tử… Hiện Việt Nam đã hoàn thành đàm phán TPP với Nhật Bản và đang xúc tiến đàm phán với Hàn Quốc.

TPP và những cơ hội cho thị trường Việt Nam
Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam cân bằng được quan hệ thương mại với các thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, cho rằng để tận dụng tốt những lợi thế của Hiệp định thì cần đánh giá những lợi thế của nền kinh tế Việt Nam, để định hướng đầu tư, đặc biệt là định hướng thu hút đầu tư nước ngoài. Ông Lộc nhấn mạnh: “TPP là hiệp định có tác động đến không gian kinh tế của Việt Nam, tác động đến thị trường của nền kinh tế Việt Nam. Tác động đến những thay đổi về thể chế, những cải cách về môi trường kinh doanh. Những tác động đó sẽ cộng hưởng, tạo nên sức phát triển mới của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Chúng ta chỉ có thể tận dụng tốt cơ hội đó nếu có sự đổi mới mạnh mẽ trong nước, đổi mới cả tầm vĩ mô cũng như nỗ lực của doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam về kinh tế, thương mại quốc tế, cho rằng cơ hội rõ nhất khi Việt Nam tham gia TPP là được tiếp cận với Hoa Kỳ, thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới, với mức thuế bằng 0%. Ngoài lợi ích về xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng lợi từ một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn do Việt Nam thực thi các cam kết mới theo Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược  xuyên Thái Bình Dương. Ông Trần Quốc Khánh cho biết:
 “Cơ hội lớn nhất là chúng ta sẽ có điều kiện cải thiện cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu. Cơ hội thứ hai là mở thêm thị trường cho hàng hóa của Việt Nam nếu như thuế được xóa bỏ trở về 0%. Đây sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trên một số thị trường và một số mặt hàng sẽ được hưởng lợi từ cú hích này. Nếu hiệp định này thành công chúng ta sẽ có cơ hội thamg gia vào chuỗi sản xuất của khu vực và quốc tế. Quá trình này được tham gia vào TPP sẽ tạo thuận lợi cho tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng”.

Những khó khăn và thách thức khi thực thi TPP
Bên cạnh sự tích cực mà Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương mang lại, hiệp định này cũng tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đối với quốc tế. Một số ngành như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, cùng với các thách thức về điều chỉnh hệ thống pháp luật, nguồn nhân lực... Ví dụ như với ngành dệt may, sự thuận lợi khi tham gia TPP là không nhỏ khi Hiệp định có sự tham gia của nhiều đối tác lớn của Việt Nam, như Mỹ, Nhật Bản, Australia... đây là những thị trường tiềm năng của các sản phẩm dệt may. Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, mối bận tâm và rào cản lớn nhất hiện nay của dệt may Việt Nam đó là yêu cầu quy tắc xuất xứ cùng sự phát triển không đồng đều của ngành công nghiệp phụ trợ dệt may. Ông Trường cho rằng: “Đây là cơ hội trong việc mở rộng thị trường với việc tiếp cận ở điều kiện tốt hơn so với điều kiện hiện tại. Đồng thời với đó là những thách thức là nội tại ngành dệt may có đáp ứng được những yêu cầu mới của hiệp định hay không, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, tăng cường cả về số lượng, chất lượng và những yếu tố phi thuế quan khác trong quá trình hội nhập”.

Tham gia TPP, Việt Nam bước cần có những hướng đi đúng đắn và cải cách mạnh mẽ cho nền kinh tế và sản xuất. Tuy nhiên, để đón đầu sự kiện này, Việt Nam đang phải vượt qua một số thách thức trong tiến trình đàm phán để đảm bảo lợi ích của đất nước. Theo ông Trần Quốc Khánh:
 “Sức ép cạnh tranh là có nhưng về phương diện đàm phán chúng ta sẽ cố gắng làm sao đó để sức ép cạnh tranh đến từ từ, theo một lộ trình, có những điều kiện nhất định. Về phía doanh nghiệp Việt Nam, với sự nỗ lực vươn lên trong thời gian qua, các doanh nghiệp cũng sẽ vượt qua được thách thức này.”

Cuối năm nay, theo lộ trình việc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương sẽ kết thúc và đi vào thực thi. Khi đó, khối các nước tham gia Hiệp định sẽ trở thành một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới, đóng góp gần 40% tổng sản phẩm quốc nội và khoảng 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu. Nếu tận dụng những cơ hội này, Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư mới, hình thành năng lực sản xuất mới và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, từ đó kinh tế Việt Nam sẽ phát triển theo hướng bền vững./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu