Tiếp nối các hoạt động của Năm Chủ tịch ASEAN, tại Hội nghị này, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy liên kết kinh tế nội khối, triển khai thực hiện các sáng kiến, ưu tiên kinh tế do Việt Nam đưa ra cho năm Chủ tịch, đồng thời thúc đẩy hợp tác ngoại khối, bất chấp việc các nước ASEAN đang phải đối mặt với các thách thức to lớn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Từ đầu năm 2020, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã chính thức thông qua 13 đề xuất về sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Các sáng kiến tập trung vào các lĩnh vực như thương mại điện tử, thương mại hàng hóa, năng lượng, công nghệ thông tin, nông nghiệp, phát triển bền vững, tài chính, thống kê, đổi mới sáng tạo.
Hội nghị các Bộ trưởng kinh tế ASEAN trực tuyến lần thứ 52. Nguồn sưckhoedoisong |
Cho đến thời điểm này, 2 sáng kiến đã được hoàn tất, gồm sáng kiến về “Chỉ số Hội nhập số ASEAN” và “Tài liệu tham chiếu về Kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN”. 11 sáng kiến còn lại vẫn đang được ASEAN nỗ lực triển khai theo đúng lộ trình, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.
Thống nhất cao các biện pháp
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến hầu hết các nền kinh tế ASEAN, bên cạnh tiếp tục tìm ra các giải pháp nhằm triển khai Kế hoạch tổng thể năm 2025 của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), ASEAN có những điều chỉnh kịp thời để vượt qua các thách thức hiện nay. Đó là kế hoạch phục hồi sau đại dịch, tận dụng một cách hiệu quả các ưu thế của các thành viên, tận dụng các thời cơ trong quá trình hội nhập với các khu vực khác trên thế giới, giúp ASEAN trở thành một không gian kinh tế rộng lớn hơn, quy mô hơn, mang tính gắn kết chặt chẽ hơn.
ASEAN cũng thống nhất định hướng ưu tiên cho việc ký kết Hiệp định RCEP vào cuối năm nay, đồng thời tăng cường hợp tác kinh tế với các đối tác bên ngoài. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các nước đối tác đã thông qua Kế hoạch hành động ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế của dịch Covid-19 và Sáng kiến chung giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hàn Quốc về thúc đẩy kết nối kinh tế ứng phó với dịch Covid-19. Các Bộ trưởng ASEAN nhất trí việc cần duy trì các cam kết hiện hành về mở cửa thị trưởng trong thương mại và đầu tư, kiềm chế áp dụng các biện pháp gây hạn chế không cần thiết đối với thương mại, tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại nhằm ổn định sản xuất, duy trì kết nối chuỗi cung ứng, xây dựng kế hoạch hồi phục sau đại dịch…"
Phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN 2020
Các sáng kiến này được Việt Nam tích cực thúc đẩy nhằm duy trì các hoạt động thương mại, tăng cường hợp tác, liên kết toàn khu vực trong việc khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 và chuẩn bị cho phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ động thích ứng, nhanh chóng thay đổi phương thức tổ chức các sự kiện trong khuôn khổ ASEAN từ truyền thống sang họp trực tuyến, góp phần đảm bảo các hoạt động hợp tác kinh tế từ cấp Bộ trưởng đến cấp kỹ thuật của ASEAN diễn ra theo đúng kế hoạch.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: "Ngay từ tháng 3/2020, Bộ trưởng kinh tế của các nước ASEAN trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Công Thương Việt Nam đã tổ chức cuộc họp của các Bộ trưởng kinh tế để bàn về các giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19, đưa ra những giải pháp mang tính đồng bộ, đảm bảo các mục tiêu. Thứ nhất, đảm bảo nguồn cung hàng hóa quan trọng và vật phẩm y tế để phục vụ cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh. Thứ 2 là đảm bảo không có sự đứt gãy của chuỗi cung ứng ở khu vực và thế giới mà ASEAN đang tham gia, trong đó có khu vực Đông Á là khu vực cực kỳ quan trọng đối với các nước ASEAN và Việt Nam. Thứ 3 là tiếp tục tìm ra những giải pháp, biện pháp để tạo thuận lợi và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ."
Việt Nam chủ động đi đầu trong việc thực hiện các cam kết duy trì mở cửa thị trường theo cam kết tại các sáng kiến ứng phó dịch Covid-19 bằng việc dỡ bỏ các biện pháp tạm thời hạn chế xuất khẩu đối với khẩu trang y tế và gạo lần lượt vào tháng 4 và tháng 5/2020 để góp phần duy trì nguồn cung cấp lương thực và y tế trong khu vực. Ngoài ra, cũng từ tháng 5 năm nay, Việt Nam đã ban hành Thông tư cho phép chấp nhận giấy chứng nhận xuất xứ với chữ ký điện tử và con dấu điện tử hoặc bản chụp giấy chứng nhận xuất xứ nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và cho thương mại trong khu vực và thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19…
Và, tại Hội nghị lần này, vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 tiếp tục được Việt Nam thực hiện và hoàn thành tốt, đóng góp vào mục tiêu thúc đẩy liên kết kinh tế nội khối, triển khai Kế hoạch tổng thể năm 2025 của Cộng đồng kinh tế ASEAN, giúp ASEAN vượt qua các thách thức hiện nay.