(VOV5)- Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc khu vực Á – Âu về tăng cường hợp tác thuận lợi hoá trung chuyển, thương mại và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững, một hoạt động do Việt Nam tổ chức kết thúc hôm nay (9/3) tại Hà Nội sau 3 ngày diễn ra. Hội nghị thêm một lần khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030 mà Liên hợp quốc đã thông qua.
|
Việt Nam tiếp tục thúc đẩy chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc. ảnh: Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN |
Với sự tham dự đông đảo của hơn 200 đại biểu từ 40 quốc gia và 29 tổ chức quốc tế, Hội nghị đã đề ra được những biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy kết nối và thuận lợi hoá thương mại, trong đó có việc hỗ trợ các nước không có biển và các nước trung chuyển thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và các quốc gia bước vào năm thứ hai thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, việc tổ chức Hội nghị này nhằm tiếp tục khẳng định cam kết của Việt Nam thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ các nước thực hiện thành công công các mục tiêu phát triển bền vững.
Thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030 qua tự do hóa thương mại
Các văn kiện của Liên hợp quốc như Chương trình hành động Viên, Nghị sự Phát triển bền vững 2030 và Chương trình hành động Addis Ababa đều khẳng định thương mại là yếu tố quyết định để thực hiện Nghị sự Phát triển bền vững 2030, đồng thời ghi nhận những thách thức và nhu cầu đặc biệt của các nước không có biển. Do vậy, hợp tác hỗ trợ các nước không có biển và trung chuyển khắc phục khó khăn, hội nhập ngày càng sâu vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, bảo đảm không một một quốc gia nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của thế kỷ 21, là một trong những trọng tâm của Chương trình nghị sự 2030 mà Liên hợp quốc đã thông qua. Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Gyan Chandra Acharya khẳng định: “Chương trình nghị sự Phát triển bền vững 2030 ghi nhận những thách thức này và cộng đồng quốc tế cam kết giúp các nước không có biển khắc phục những hạn chế. Các lĩnh vực hợp tác sẽ tập trung vào tăng cường hợp tác và hội nhập khu vực nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các sáng kiến kết nối; cải thiện hạ tầng mềm như khuôn khổ luật pháp, hài hoá thủ tục hải quan, tích cực thực hiện Hiệp định thuận lợi hóa tự do thương mại của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), tăng cường đầu tư.”
Đối với Việt Nam, từ kinh nghiệm hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam nhận thức rõ vai trò quan trọng của thuận lợi hoá thương mại và đầu tư đối với phát triển kinh tế và xoá đói giảm nghèo. Do vậy, Việt Nam đã tham gia tích cực các cơ chế hợp tác đa phương và khu vực như WTO, ASEAN, APEC, ASEM, các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác. Việt Nam cũng chủ động tăng cường kết nối hạ tầng và kinh tế với các nước láng giềng, đặc biệt là với Lào, nước láng giềng không có biển, cả trong khuôn khổ song phương và đa phương. Điều này được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Việt Nam luôn luôn đặt ưu tiên cao nhất cho việc thúc đẩy quan hệ với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là các liên kết kinh tế chặt chẽ. Chúng tôi tin rằng, sự thành công và thịnh vượng của các nước láng giềng sẽ có tác động tích cực tới sự phát triển của Việt Nam và giúp chúng tôi thúc đẩy phát triển bền vững trong toàn khu vực. Việt Nam đã có những bước cụ thể nhằm tăng cường liên kết kinh tế và kết nối hạ tầng với các nước láng giềng, đặt biệt là hợp tác chặt chẽ với các quốc gia khu vực hạ nguồn sông Mekong để kết nối hành lang kinh tế, góp phần kết nối các khu vực xa xôi với cảng biển quốc tế.”
Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia vào các nỗ lực chung của Liên hợp quốc
Bên cạnh chia sẻ những kinh nghiệm hội nhập quốc tế cũng như hội nhập khu vực sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam cũng đề xuất các kiến nghị để tăng cường huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực tư nhân phục vụ phát triển hạ tầng trung chuyển, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.
Chương trình Nghị sự 2030 mà Liên hợp quốc thông qua năm 2015 (thay thế cho Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã hết hạn vào cuối năm 2015), đề ra 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể, được xem là cam kết của các nhà lãnh đạo tới mọi người dân trên thế giới rằng tất cả các quốc gia sẽ cùng chung tay gây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Trong giai đoạn từ nay đến 2030, các Chính phủ và các tổ chức cần phải nỗ lực gấp đôi để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên thế giới, để tất cả các quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng. Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam luôn tham gia tích cực vào các nỗ lực chung của cơ quan này nhằm xây dựng một thế giới hòa bình và phát triển bền vững. Các hoạt động do Việt Nam đăng cai tổ chức cũng không ngoài mục tiêu đó, đặc biệt càng có ý nghĩa hơn khi năm nay đánh dấu tròn 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc và là năm thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016-2018