Việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản của con người để có thể đảm bảo cuộc sống và sự phát triển toàn diện. Tại Việt Nam, chính phủ đã ban hành nhiều chính sách phát triển thị trường lao động, tạo việc làm cho người dân với quan điểm nhất quán là phát triển toàn diện, bao trùm và bền vững vì con người, lấy con người làm trung tâm. Chủ trương này một lần nữa được Việt Nam khẳng định tại phiên họp thường niên thứ 61 của Ủy ban Phát triển xã hội (CSocD61), Liên hợp quốc (LHQ), diễn ra đầu tuần qua ở New York, Hoa Kỳ.
Tham tán Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. Ảnh: VOV |
Khoản 1, Khoản 2, Điều 35, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam, khẳng định công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương và có chế độ nghỉ ngơi.
Ủng hộ chủ trương thúc đẩy việc làm bền vững
Phiên họp thường niên thứ 61 của Ủy ban Phát triển xã hội (CSocD61) Liên hợp quốc có chủ đề “Tạo việc làm đầy đủ, năng suất và bền vững cho mọi người nhằm khắc phục bất bình đẳng, đẩy nhanh phục hồi sau đại dịch Covid-19 và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững”. Phát biểu tại đây, Tham tán Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định Việt Nam ủng hộ chủ trương của Liên hợp quốc về thúc đẩy việc làm bền vững cũng như phát triển nền kinh tế-xã hội và đoàn kết, coi đó là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy hoàn thành Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nguyên, thực tế tại Việt Nam, Chính phủ đặt người dân vào trung tâm của chính sách phát triển, chú trọng hỗ trợ các đối tượng yếu thế, đẩy mạnh đổi mới giáo dục đào tạo, tăng cường kỹ năng, khả năng tự học và thích ứng cho người lao động để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới. Năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam được khống chế ở mức 2,3%. Trong khi đó, báo cáo của Tổng cục thống kê (Bộ kế hoạch và đầu tư) cho thấy trung bình hằng năm, thị trường lao động Việt Nam tạo thêm việc làm mới cho khoảng 1,6 triệu lao động. Việt Nam từ một nước dư thừa lao động trước đây thì đến giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ tăng trưởng việc làm đã đạt mức cân bằng và cao hơn tỷ lệ tăng trưởng lực lượng lao động. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, từ 2,0% đến 2,3%; tỷ lệ thất nghiệp thành thị luôn dưới 3,5%. Đáng chú ý, sau gần hai năm bị tác động bởi đại dịch Covid - 19, thị trường lao động – việc làm của Việt Nam cũng đã phục hồi. Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Năm 2022 và cả cuối năm 2021 đặt ra thách thức vô cùng lớn khi đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế tấn công vào các khu công nghiệp, thành trì quan trọng của nền sản xuất, đặc biệt là tại khu vực phía Nam. Khi đó, điều mà chúng ta lo nhất chính là đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Tuy nhiên, bằng rất nhiều cách làm khác nhau và bằng các chính sách khác nhau cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp, có thể khẳng định rằng chúng ta đã khôi phục chuỗi cung ứng lao động một cách nhanh chóng và ổn định thị trường lao động.
Thúc đẩy quyền có việc làm bền vững
Việc làm, thu nhập và giảm nghèo là một trong những trụ cột của an sinh xã hội. Tại Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào tháng 9/2015, một bộ tiêu chí gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs) đã được lãnh đạo các nước, trong đó có Việt Nam, thông qua. Trong đó, mục tiêu số 8 là: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, rộng mở và bền vững, việc làm đầy đủ và năng suất và công việc tốt cho tất cả mọi người.
Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: qdnd.vn |
Việt Nam đã triển khai thực hiện cam kết này với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136 năm 2020 về phát triển bền vững với 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã phê chuẩn 7 trong số 8 Công ước cơ bản của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cùng với nhiều cải cách pháp luật lao động, góp phần mang lại cơ hội tốt hơn cho người dân được tiếp cận với việc làm thỏa đáng. Đáng chú ý, Việt Nam đang tiến hành quy trình sửa đổi Luật việc làm, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 8/2024. Theo đó, Luật Việc làm sửa đổi sẽ mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động. Đề cập đến vấn đề này, Cục trưởng Cục việc làm (Bộ lao động, thương binh và xã hội) Vũ Trọng Bình cho biết:Trong dự thảo Luật việc làm sửa đổi này, chúng tôi quan tâm bổ sung 2 đối tượng quan trọng. Luật cũng tiếp tục quan tâm đến đối tượng yếu thế, những đối tượng có việc làm sáng tạo, việc làm mới, việc làm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế và việc làm cho lao động phi chính thức.
Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam để tạo việc làm thỏa đáng còn được thể hiện rõ qua Chương trình Hợp tác Quốc gia về Việc làm bền vững và thỏa đáng (DWCP) tại Việt Nam. Chương trình DWCP giai đoạn 2022-2026 với những ưu tiên quốc gia mới, chú trọng vào: tạo việc làm thỏa đáng; mở rộng phạm vi và mức độ đầy đủ của an sinh xã hội; và quản trị thị trường lao động tốt hơn thông qua việc thúc đẩy các quyền và nguyên tắc cơ bản trong lao động và đối thoại xã hội.
Giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội làm việc là trách nhiệm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và của toàn xã hội. Việc Việt Nam thúc đẩy quyền có việc làm bền vững của người lao động không chỉ góp phần giảm đói nghèo, thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID -19, mà còn là một trong những ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc 2023-2026.