Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp

Thanh Tùng-Minh Long
Chia sẻ
(VOV5) - Là một trong số các quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, Việt Nam đang chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

(VOV5) - Là một trong số các quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, Việt Nam đang chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều dự án, giải pháp được triển khai trong lĩnh vực này nhằm thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.

Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp - ảnh 1
Các phiên họp thảo luận về biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu


Nông nghiệp là trọng tâm của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp hơn 18% GDP. Nông nghiệp sử dụng đến gần một nửa lực lượng lao động của cả nước với mô hình phổ biến là sản xuất hộ gia đình quy mô nhỏ. Tác động của biến đổi khí hậu khác nhau giữa các vùng khí hậu của Việt Nam nhưng đều gây hậu quả nghiêm trọng đến sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.Trong bối cảnh đó, tìm cách thích ứng chính là trọng tâm trong việc ứng phó với biến đối khí hậu. Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc thích ứng với biến đối khí hậu được chủ động triển khai ở nhiều cấp, nhiều  lĩnh vực.

 Chủ động thích ứng ở nhiều lĩnh vực

Dự báo vào cuối thế kỷ 21, kịch bản nước biển dâng 100 cm sẽ khiến Hậu Giang và Kiên Giang ngập 80,6 và 77% diện tích tự nhiên. Trong khi các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau ngập trung bình 50%. Tính trên toàn vùng, Đồng bằng sông Hồng ngập 16,8% diện tích và Đồng bằng sông Cửu Long ngập gần 40%diện tích. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết đối với ngành trồng trọt, phải tập trung tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư và cải thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng sản xuất và chế biến nông sản và đổi mới chính sách.  Ngoài ra cần chú ý mở rộng diện tích, thâm canh, tăng năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm đối với các cây ăn quả có thị trường tiêu thụ tốt. Đồng quan điểm này, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng: Quan trọng nhất bây giờ phải xem xét lại cơ cấu cây trồng. Chúng ta phải sống chung và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ví dụ như mặn xâm nhập vừa qua các địa phương là do thời tiết tuy nhiên bên cạnh đó cũng có yếu tố là do con người. Nếu chúng ta dự báo sớm từ đó chuyển đổi cơ cấu, tổ chức lại sản xuất cho nông dân. Lợi thế của nông nghiệp để tăng trưởng hiện nay là lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, tiếp đến là cây trồng đặc sản: rau và trái cây, bên cạnh đó là tập trung phát triển kinh tế rừng.


Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp - ảnh 2
Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp để ứng phó với thiên tai bão lũ gây ra do biến đổi khí hậu



Trong các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu chống hạn, mặn lâu dài, bền vững, cần tính tới việc quy hoạch hệ thống thủy lợi đồng bộ theo vùng và khu vực để giữ vai trò điều tiết nguồn nước, ngăn mặn, giữ ngọt. Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, nêu ý kiến: Về lâu dài, cần quan tâm nhiều hơn tới nguồn vốn làm các hệ thống thủy lợi, làm thế nào để phù hợp với đặc thù sản xuất từng vùng. Thứ hai là hệ thống thông tin phải đáp ứng kịp thời yêu cầu quan trắc, cảnh báo nguồn nước ở một số nơi trước thực trạng mặn xâm nhập rất nhanh.

Tăng cường thích ứng ở cấp địa phương

Thích ứng với biến đổi khí hậu cũng được triển khai theo điều kiện đặc thù của mỗi địa phương. Tỉnh Khánh Hòa tập trung ưu tiên một số lĩnh vực như hạ tầng cơ sở sản xuất nông nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản. Tỉnh Bình Định xây dựng kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu trong đó điều chỉnh, bổ sung các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ngoài ra, tỉnh tích cực tham gia nhiều hoạt động nâng cao nhận thức và năng lực về biến đổi khí hậu trong và ngoài nước; tăng cường tìm kiếm các nguồn tài trợ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án, hoạt động về biến đổi khí hậu và nước biển dâng.  Ông Nguyễn Khánh Hoan, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre, cho biết địa phương tích cực tuyên truyền về tác động của biến đổi khí hậu để người dân ý thức rõ trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên nước, tiết kiệm nguồn nước Vấn đề giữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất hết sức quan trọng. Chúng tôi tập trung tuyên truyền trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, phân công các đoàn thể, hội phụ nữ, đoàn thanh niên tuyên truyền cho người dân. Qua đó nhận thức của người dân cũng dần được nâng lên, từ chỗ bị động dần chuyển sang bị động, người dân đã chủ động trữ nước ngọt, khắc phục hậu quả thiên tai.

Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp - ảnh 3



Để thích ứng với biến đối khí hậu trong lĩnh vực nông nghiêp Việt Nam cũng chủ động tăng cường hợp tác quốc tế với Liên Hợp Quốc triển khai sáng kiến lồng ghép nông nghiệp vào Kế hoạch Thích ứng Quốc gia. Chương trình 3 năm này sẽ giúp tìm ra chính sách phát triển chưa phù hợp để đưa ra giải pháp. 

Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp là nguy cơ hiện hữu ảnh hưởng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo và sự phát triển bền vững của đất nước. Việc Việt Nam nỗ lực tăng cường khả năng thích ứng, năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu