Việt Nam thay đổi cách tiếp cận để giảm nghèo

Hà Nam
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo tính bền vững của các kết quả đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ nghèo.

(VOV5) - Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã thành công trong việc giảm tỷ lệ nghèo từ 58,1% (năm 1993) xuống dưới 10% theo chuẩn nghèo quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo tính bền vững của các kết quả đã đạt được. Nguy cơ tái nghèo còn cao, các vùng nghèo và sự chênh lệch giữa các vùng miền vẫn còn tồn tại. Trong khi đó, các dạng nghèo đô thị mới đã xuất hiện. Để thích ứng với tình hình mới, Việt Nam đang thay đổi cách tiếp cận để giảm nghèo bền vững hơn.

Việt Nam thay đổi cách tiếp cận để giảm nghèo - ảnh 1
Thay đổi cách tiếp cận để giảm nghèo (Ảnh minh họa)

Sắp xếp lại chính sách hỗ trợ người nghèo


Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có được chính sách giảm nghèo toàn diện. Hiếm có quốc gia nào có hệ thống chính sách như vậy. Tuy nhiên, chính sách nhiều lại dẫn đến phân tán nguồn lực, chồng chéo khi thực hiện. Vì vậy, việc sắp xếp lại chính sách là rất cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách đối với người thụ hưởng và đảm bảo đủ nguồn lực, tránh phân tán như hiện nay. Ông Ngô Trường Thi, Chánh văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (Bộ lao động, thương binh và xã hội), cho biết: “Tới đây, Việt Nam phải mở rộng các chính sách, hỗ trợ hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo để họ không rơi xuống dưới ngưỡng nghèo đói và cũng là động lực để các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Thứ 2 là sẽ giảm dần những chính sách cho không, thay vào đó khi cho phải kèm theo điều kiện cụ thể. Thứ 3 là chúng tôi cũng đang nghiên cứu đề nghị sắp tới phải quy định gắn với thời gian. Một đối tượng hộ nghèo chỉ được hỗ trợ trong vòng 3 đến 5 năm, nếu không có ý chí vươn lên, không muốn thoát nghèo sẽ dừng hỗ trợ”.


Thay đổi cách nhận diện đối tượng là người nghèo


Theo ông Ngô Trường Thi, để giảm nghèo bền vững thì phương pháp  tiếp cận người nghèo, nhóm đối tượng nghèo cũng đang được thay đổi từ đơn chiều sang đa chiều. Cụ thể là thay đổi cách nhận diện đối tượng nghèo, không chỉ dựa vào tiêu chí thu nhập như trước. Ông Thi nhấn mạnh: “Trong cách chúng ta vừa thực hiện vừa qua, chúng ta đã bỏ sót 1 nhóm đối tượng. Có đối tượng lẽ ra họ phải được hỗ trợ nhưng vì không phải hộ nghèo, hay có nhóm đối tượng như dân di cư ra thành phố hoặc công nhân. Chúng ta đã bỏ qua vì chúng ta xác định đối tượng nghèo là theo hộ, mà theo hộ thì họ không thuộc đối tượng để chúng ta hỗ trợ. Vì vậy phải nói là, cách chuyển đổi từ đơn chiều sang đa chiều có ý nghĩa rất lớn là giúp cơ quan chức năng đo đếm được đối tượng, xác định đối tượng và trên cơ sở đó xây dựng chính sách cho từng nhóm đối tượng phù hợp. Ngoài ra, chúng ta có thể đánh giá được tác động các chính sách tới đối tượng. Tất nhiên không phải tất cả các đối tượng sẽ có chính sách hỗ trợ như nhau mà chúng ta vẫn phải phân loại theo chuẩn nghèo hay chuẩn cuộc sống tối thiểu”.


Tập trung nguồn lực cho những vùng nghèo nhất

Việt Nam thay đổi cách tiếp cận để giảm nghèo - ảnh 2
Hướng tới giảm nghèo bền vững tại cộng đồng các dân tộc thiểu số VN (Ảnh: Internet)

Cùng với việc sắp xếp lại chính sách và thay đổi phương pháp tiếp cận người nghèo, Việt Nam cũng sẽ dành nguồn lực ưu tiên cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm khắc phục tình trạng giảm nghèo không đồng đều. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: “Chúng tôi tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho các vùng nghèo nhất, cho các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội cùng nhà nước thực hiện các mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững thu hẹp khoảng cách. Việc xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ mới cần theo hướng: mở rộng đối tượng là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo. Các mức chính sách được thiết kế theo nguyên tắc: hộ nghèo được ưu tiên nhất, sau đó đến hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo”.


Với việc thay đổi cách tiếp cận trong xoá đói giảm nghèo trên cả 3 phương diện: chính sách, đối tượng và bố trí nguồn lực, Việt Nam đang từng bước thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần đảm bảo ổn định xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người nghèo./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu