Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do chân chính của người dân

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Người phát ngôn của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc vừa có những phát biểu thiếu chính xác, phi thực tế về các vụ tụ tập đông người gần đây tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, dưới chiêu bài "bảo vệ môi trường" sau sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung Việt Nam.
(VOV5) - Người phát ngôn của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc vừa có những phát biểu thiếu chính xác, phi thực tế về các vụ tụ tập đông người gần đây tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, dưới chiêu bài "bảo vệ môi trường" sau sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung Việt Nam. Đây là việc làm có chủ đích, nhằm phủ nhận sự thật là Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do chân chính của người dân, cả về mặt luật pháp và trên thực tế.

Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do chân chính của người dân  - ảnh 1
Hội thảo về Thành tựu Nhân quyền Việt Nam 70 năm qua được tổ chức cuối năm 2015



Việc người phát ngôn của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc cáo buộc Việt Nam “có hành động bạo lực đối với những người tham gia tụ tập, trong đó có phụ nữ và trẻ em” là không có cơ sở và hoàn toàn sai sự thật. Đây là một sự nhìn nhận thiếu khách quan có chủ đích.


Bảo vệ môi trường hay gây rối, kích động bạo loạn lật đổ chế độ

Không khó để nhận ra rằng trong các cuộc tụ tập đông người nhân danh “bảo vệ môi trường” tại Việt Nam, các phần tử chống đối, bao gồm cả nhóm khủng bố Việt Tân, đã tổ chức hoặc âm mưu tổ chức các cuộc gây rối và kích động bạo loạn lật đổ theo kế hoạch bài bản. Họ đã liên kết với các đối tượng trong và ngoài nước lợi dụng sự cố môi trường để xúi giục người dân biểu tình, lôi kéo cả người chưa đủ tuổi thành niên, người có tiền án, tiền sự; chuẩn bị hậu cần, dùng tiền thuê người tham gia; sử dụng mạng xã hội để kích động hành vi chống đối, thậm chí chống lại các lực lượng tham gia giữ gìn trật tự trị an... Lực lượng chức năng Việt Nam vừa bắt giữ 2 đối tượng nhận tiền của tổ chức phản động Việt Tân để thu thập, phát tán tài liệu, hình ảnh xuyên tạc, kích động người dân biểu tình chống Nhà nước. Ý đồ thực sự của các phần tử chống đối là kích động người dân phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đang đến gần, gây mất ổn định an ninh, chính trị ở Việt Nam.


Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của người dân

Trên thực tế, Việt Nam đã luôn tôn trọng, bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của người dân, trong đó có quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận, phù hợp với Hiến pháp và các chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Ngay sau khi trở thành thành viên Liên hợp quốc năm 1977, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người như: Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc, Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước về quyền trẻ em, Công ước về chống tra tấn và Công ước về quyền của người khuyết tật. Không những thế, Việt Nam còn đồng thời ban hành các thông tư, nghị định cùng các biện pháp phù hợp với pháp luật Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đảm bảo an ninh và an toàn cho người dân, đặc biệt là người già, phụ nữ và trẻ em.Việt Nam đã và đang là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, đồng thời tích cực hợp tác nhân quyền trong khuôn khổ cộng đồng các nước nói tiếng Pháp, tham gia vào các khuôn khổ hợp tác khu vực về nhân quyền, trong đó có Ủy ban Liên chính phủ về nhân quyền ASEAN. Với những thành tựu nhân quyền nổi bật, Việt Nam chủ động xây dựng báo cáo kiểm điểm định kỳ phổ quát của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc về việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam, thường xuyên tham gia đối thoại nhân quyền với các nước Mỹ, Australia, Thụy sỹ và EU. Việc tôn trọng, bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của người dân của Việt Nam đã được thực tế chứng minh và được quốc tế công nhận.

 Tự do, dân chủ trong khuôn khổ luật pháp
Theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia ký kết ngày 24/9/1982, các quyền và tự do của người dân phải được thực hiện trong phạm vi luật pháp, không gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng, an ninh quốc gia, đạo đức, sức khỏe cộng đồng, quyền và lợi ích của các cá nhân khác. Nghĩa là, việc thực thi các quyền tự do của mọi công dân và các hạn chế được cụ thể hóa trong pháp luật của mỗi quốc gia bởi mọi quốc gia đều cân nhắc tình hình thực tế của mình để đưa ra các đạo luật và giải pháp nhằm cụ thể hóa việc thực hiện quyền tự do của công dân. Rõ ràng là quyền tự do của công dân đã và đang được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.


Như vậy, hiển nhiên là những biện pháp mà Nhà nước Việt Nam thực hiện trong thời gian qua đối với các vụ tụ tập đông người, lợi dụng chiêu bài “bảo vệ môi trường” để gây rối và kích động bạo loạn lật đổ, là nhằm duy trì ổn định chính trị-xã hội, bảo đảm cuộc sống an bình của người dân. Những hành vi vi phạm pháp luật, đe dọa lợi ích chung của cộng đồng, lợi ích căn bản của bất cứ một quốc gia nào đều phải bị trừng trị thích đáng theo pháp luật của chính quốc gia đó.


Với thực tế rõ ràng như vậy, phát ngôn của  Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc về những vụ tụ tập đông người tại Việt Nam là hoàn toàn sai lệch, thậm chí  là có sự xuyên tạc về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Sự thiếu khách quan có chủ đích trong vấn đề nhân quyền của mỗi quốc gia là việc làm đáng phê phán, khó có thể biện minh, không được dư luận Việt Nam và quốc tế thừa nhận.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu