Việt Nam thực sự đã làm rất tốt trong việc đạt được những dấu mốc quan trọng cho sự tiến bộ vì bình đẳng giới. Đây là đánh giá của Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế về những nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới, một trong những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc thời gian qua. Từ bản Hiến pháp đầu tiên đề cập đến vấn đề nam nữ bình quyền, cho đến nay, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới và ghi dấu ấn trong thực tế về thúc đẩy sự tiến bộ vì bình đẳng giới.
Các đại biểu tham gia đối thoại chính sách với chủ đề "Bình đẳng giới trong chuyển đổi số ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức" ngày 3/3/2023 - Ảnh: toquoc.vn |
Việt Nam đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ với một chiến lược rõ ràng, nhất quán và phù hợp với thực tiễn trong suốt quá trình phát triển. Cho đến nay, Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới, nâng cao vị thế cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030 của Liên hiệp quốc, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.
Thực tế sinh động về bình đẳng giới
Nhà bà Vũ Thị Lưu (thôn Thọ Lão, xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) vốn là hộ nghèo trong xã. Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, gần 10 năm trước, bà đã lặn lội mang giống hồng quý từ Đắc Lắc về Hưng Yên để nhân giống, khai thác nguyên liệu và bán cho các cơ sở chế biến trà hoa. Đến nay, kinh tế của gia đình bà đã ổn định hơn, đồng thời tạo ra công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ trong vùng.
Bà Lưu cho biết: “Ban đầu, kinh tế của tôi rất khó khăn. Tôi thuộc dạng hộ nghèo. Đến bây giờ, tôi đã phát triển được 1,3 mẫu rồi, tạo công ăn việc làm cho chị em lớn tuổi như 65, 70 tuổi. Giờ, tôi chỉ mong hoa hồng của tôi được giá, cuộc sống của tôi khấm khá. Khả năng, sang năm, tôi xin thoát nghèo”.
Những câu chuyện phụ nữ vươn lên vượt khó, phát triển kinh tế, hỗ trợ những chị em khác như trường hợp của bà Vũ Thị Lưu đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đánh giá doanh nghiệp nữ Việt Nam ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, tạo ra một phong cách kinh doanh độc đáo, mềm dẻo, linh hoạt rất có hiệu quả. Việt Nam trở thành một nước có tỉ trọng giới nữ tham gia hoạt động kinh tế cao so với các nước trong khu vực và nằm trong top 10 nước trên thế giới có tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ điều hành cao nhất (khoảng 33%)…
Bà Vũ Thị Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần cơ điện Tomeco, cho biết: “Có rất nhiều người ngạc nhiên hỏi: Tại sao chủ một doanh nghiệp về cơ khí lại là một phụ nữ tóc dài và nữ tính như vậy. Nhưng sau khi tiếp xúc và làm việc, người ta sẽ thấy người phụ nữ với vẻ ngoài mềm mại như vậy cũng có những cái cứng như thép. Chính sách của nhà nước Việt Nam tốt hơn trước đây rất nhiều, phụ nữ được hưởng ngày càng nhiều quyền lợi. Sinh con được nghỉ 6 tháng, được hưởng lương. Khi phụ nữ làm lãnh đạo cũng có các hiệp hội doanh nhân cho phụ nữ, giải thưởng cho những phụ nữ thành công trên thương trường, hỗ trợ vay vốn".
Khung khổ pháp lý toàn diện, ấn tượng
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua và là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Giám đốc quốc gia của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam, ông Herve Conan cho biết: “Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách nhằm tạo thuận lợi cho sự tham gia của phụ nữ vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quyền bình đẳng giữa nam và nữ đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013, được cụ thể hóa trong nhiều quy định pháp luật và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021- 2030. Cùng với đó, Việt Nam cũng cho thấy vai trò rất tích cực trong thúc đẩy bình đẳng giới trên toàn cầu khi là một trong những nước đầu tiên thông qua Công ước Liên hợp quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ cách đây hơn 40 năm và sau đó là Tuyên bố Bắc Kinh năm 1995”.
Từ góc nhìn quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm dành cho công tác bình đẳng giới những ưu tiên nhất định khi Bản Luận cương năm 1930 - cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định mục tiêu đấu tranh cho nam nữ bình quyền. Dù chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức: phục hồi hậu đại dịch Covid-19, thiên tai, biến đổi khí hậu…, song theo Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam, bà Elisa Fernandez Saenz, Việt Nam đã, đang và sẽ làm rất tốt trong việc đạt được những dấu mốc quan trọng cho sự tiến bộ và vì bình đẳng giới:
“Chính phủ Việt Nam đã thiết lập một khuôn khổ pháp lý rất mạnh mẽ để gắn kết đất nước với các hiệp định quốc tế. Chúng tôi không ngừng nhận thấy cam kết của Việt Nam trong các lĩnh vực bình đẳng giới khác nhau như bình đẳng giới trong kỷ nguyên số, bình đẳng giới trong đảm bảo hòa bình và an ninh, cũng như trong nỗ lực tăng quyền kinh tế cho phụ nữ. Ngay trong ASEAN, Việt Nam cũng cho thấy vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự tiến bộ vì bình đẳng giới” - Bà Elisa Fernandez Saenz nói.
Giải phóng và phát triển toàn diện đối với phụ nữ là một trong những mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách và thành quả trong việc thực hiện giải phóng phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao trong nhiều năm qua. Thành quả này được Việt Nam tiếp tục duy trì và phấn đấu đạt mức cao hơn nhằm xây dựng nền tảng cần thiết vì một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, phát triển toàn diện và bền vững.