Đối thoại về bình đẳng giới trong chuyển đổi số ở Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Việc nhận thức rõ các vấn đề giới nảy sinh trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan chức năng hoàn thiện khung khổ chính sách, pháp luật...
Đối thoại về bình đẳng giới trong chuyển đổi số ở Việt Nam - ảnh 1Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Đối thoại - Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Sáng nay (03/03), tại Hà Nội, đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam tổ chức Đối thoại chính sách với chủ đề: “Bình đẳng giới trong chuyển đổi số ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức”, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.         

Tại đối thoại, các đại biểu cho rằng những năm gần đây, phụ nữ đang từng bước tạo dựng những lợi thế nhất định trong công nghệ, với cơ hội việc làm rộng mở. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), lao động nữ chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, cao hơn so với thế giới (25%). Tuy nhiên, đa phần phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ vẫn chủ yếu đảm nhiệm các vị trí, như: marketing, bán hàng, hành chính và nhân sự… hơn là các vai trò kỹ thuật như nhân viên phát triển phần mềm.

Phát biểu tại Đối thoại, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh việc nhận thức rõ các vấn đề giới nảy sinh trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan chức năng hoàn thiện khung khổ chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này. 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà: "Chúng tôi đã ban hành các kế hoạch để triển khai nội dung này. Việc nhận thức rõ về vấn đề giới nảy sinh trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ giúp cho các cơ quan chức năng liên quan có thể hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ và trẻ em gái về cơ hội giáo dục, về xóa bỏ khuôn mẫu giới trong các chương trình giảng dạy, định hướng nghề nghiệp, đặc biệt là đào tạo liên quan đến khoa học công nghệ, kỹ thuật toán học. Việt Nam cũng coi đây là chìa khóa để có thể thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong chuyển đổi số".

Tại đối thoại, các đại biểu thảo luận về thực trạng chuyển đổi số hiện nay tại Việt Nam và vai trò của phụ nữ trong trong kỷ nguyên số ở các lĩnh vực khác nhau, cũng như đề xuất các giải pháp để thu hẹp những khoảng cách về giới đang cản trở sự tham gia của phụ nữ, trẻ em gái trong giáo dục, khoa học, công nghệ và thị trường lao động liên quan tới đổi mới, công nghệ và kỹ thuật số. Vấn đề bảo vệ sự an toàn của phụ nữ và trẻ em trước các hình thức bạo lực trên môi trường mạng cũng được đề cập.

Các thông tin chia sẻ và khuyến nghị tại đối thoại chính sách sẽ đóng góp vào báo cáo của Việt Nam tại khóa họp lần thứ 67 của Ủy ban địa vị phụ nữ được Liên Hợp Quốc tổ chức vào trung tuần tháng 3 tại New York, Mỹ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu