Việt Nam đề cao sự đồng thuận trong ASEAN

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam đã xây dựng, thảo luận với các nước ASEAN để thông qua Tuyên bố về phát triển nguồn nhân lực vì một thế giới công việc đang thay đổi.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra ngày 26/6, thảo luận nhiều nội dung quan trọng, liên quan đến những vấn đề mà khu vực ASEAN hiện đang phải đối mặt cũng như khẳng định sự phát triển, gắn kết của cộng đồng ASEAN. Bất chấp khó khăn do đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn phát huy tốt vai trò Chủ tịch và có những bước đi đúng hướng, giúp đẩy mạnh đoàn kết và thống nhất khối, duy trì môi trường hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực.                                            

Nội dung nổi bật được đề cập tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 và các cuộc gặp liên quan đều là những mối quan tâm chung của các nước trong khu vực hiện nay như cách tiếp cận hậu COVID-19, phát triển nguồn nhân lực trong thời đại số, tăng quyền năng cho phụ nữ…

Đề cao sự đồng thuận của ASEAN trong các vấn đề khu vực

Dịch Covid - 19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên thế giới nói chung và trong khu vực nói riêng đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia thành viên ASEAN. Với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ trì nhiều hội nghị trực tuyến đạt hiệu quả tích cực, góp phần duy trì đà hợp tác của ASEAN, trong đó có Hội nghị Cấp cao ASEAN đặc biệt về Covid-19 (ngày 14/4), đề ra các biện pháp cụ thể như thành lập quỹ Covid-19, kho dự trữ y tế, quy trình chuẩn về ứng phó với dịch bệnh trong ASEAN, tiến tới xây dựng kế hoạch phục hồi trong ASEAN. Trong 6 tháng qua, hợp tác ASEAN theo tinh thần gắn kết, chủ động thích ứng, đã giúp cho ASEAN vững vàng và ứng phó với dịch Covid -19. Và tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 này, Việt Nam cùng các nước thành viên ASEAN tiếp tục trao đổi các cách thức phát triển hậu Covid-19, cùng các biện pháp cấp bách để có được sự phục hồi sớm nhất cho ASEAN trên tất cả các lĩnh vực. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ : Dịch Covid đã làm đảo lộn tất cả những gì mà Việt Nam chuẩn bị vì vậy chúng ta phải thay đổi chương trình sao cho phù hợp. Chúng ta phải xem các nước quan tâm vấn đề gì và phải chuyển trọng tâm của ASEAN. Vì vậy, Việt Nam tập trung cho mục tiêu đoàn kết, thống nhất của ASEAN, tập trung trí tuệ, tập trung nhân lực cho chống Covid cũng như tập trung sự phối hợp của ASEAN với các đối tác trên thế giới. Điều đó rất đúng, trúng và được sự hưởng ứng rất tích cực của các nước ASEAN.

Việt Nam đề cao sự đồng thuận trong ASEAN - ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng và Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chủ trì họp báo. Ảnh: Minh Nhật 

Dựa trên các mối quan tâm chung của cộng đồng, Việt Nam đã xây dựng, thảo luận với các nước ASEAN để thông qua Tuyên bố về phát triển nguồn nhân lực vì một thế giới công việc đang thay đổi. Điều này nhằm giúp nguồn nhân lực của ASEAN phù hợp hơn với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ trên thế giới, tạo lợi thế cạnh tranh cho khu vực. Thứ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Lê Quân, Trưởng đoàn Việt Nam tại Hội nghị cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN lần thứ 23, cho biết: Thực tế trong thời đại công nghiệp 4.0 nhất là trong bối cảnh dịch Covid, thì ưu tiên phát triển nguồn nhân lực ngày càng quan trọng hơn và năng lực cạnh tranh của các nước ASEAN so với khu vực và trên thế giới dần dần phải đo đếm bằng nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, các nước ASEAN đang tập trung nhiều vào các mũi nhọn như công nghệ, công nghệ thông tin. Các nước rất quan tâm để làm sao lao động có được những kỹ năng đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đòi hỏi khu vực ASEAN phải có cách tiếp cận mới về bình đẳng giới. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 36, Việt Nam tổ chức phiên họp đặc biệt của các nhà lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới khi các Nhà lãnh đạo ASEAN lần đầu tiên thảo luận chính thức về việc trao quyền cho phụ nữ.

Những đánh giá tích cực

Nỗ lực điều phối của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trên nhiều lĩnh vực được các nước trong khu vực và các đối tác đánh giá cao. Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi bày tỏ:Việt Nam đã thể hiện “tầm lãnh đạo mạnh mẽ” trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch Covid-19. Chủ đề “Xây dựng một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam rất phù hợp với tình hình mà khu vực đang trải qua. ASEAN đã đoàn kết và nhanh chóng ứng phó với đại dịch kể từ tháng 2 và thông qua hai Hội nghị cấp cao đặc biệt được tổ chức trong ngày 14/4. Những phản ứng mạnh mẽ của ASEAN phần lớn là do sự lãnh đạo của Việt Nam, đặc biệt trong việc thúc đẩy các quốc gia thành viên đối thoại và hợp tác.

Các nước ASEAN cũng đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam từ đầu năm đến nay, khẳng định sự ủng hộ đối với việc triển khai các kết quả chính của các Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó dịch COVID-19 do Việt Nam đề xuất. Các nước ghi nhận tích cực về lộ trình triển khai các kết quả ưu tiên trong năm 2020 và cam kết sẽ tiếp tục phối hợp cùng Việt Nam để hoàn tất các kết quả ưu tiên theo lộ trình đề ra.

Việc Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, luôn chú trọng tới mối quan tâm chung của các nước ASEAN trong đối phó với những thách thức khu vực, là biểu hiện cụ thể của nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN, củng cố đoàn kết nội khối.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu