Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8% trong năm 2019

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam đã đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung chỉ đạo phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng

Mặc dù còn những hạn chế, khó khăn và trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, thời gian qua, Việt Nam đã kiểm soát tốt lạm phát, ổn định vĩ mô. Cùng với đó, Việt Nam đã đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung chỉ đạo phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực mới nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đồng thời đặt mục tiêu mới cho tăng trưởng của đất nước trong năm 2019.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (trong đó bao gồm cả việc đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020), do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, khẳng định: Tăng trưởng GDP năm 2018 sẽ đạt trên 6,7%. Đồng thời tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đạt cao hơn giai đoạn 2010 - 2015, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, bền vững hơn; quy mô nền kinh tế tăng mạnh.

 

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2018 đạt trên 6,7%

Tiếp nối đà phát triển, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 9 tháng của đầu năm 2018 đạt được những kết quả rất tích cực. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây, các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu… tăng khá cao. Năm 2018, GDP Việt Nam sẽ đạt trên 6,7%, đồng thời toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt; quy mô nền kinh tế gấp 1,3 lần, GDP bình quân đầu người tăng 440 USD so với đầu nhiệm kỳ; đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8% trong năm 2019 - ảnh 1

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dự báo Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, trong đó đến nay đã có 11 chỉ tiêu đạt và vượt: Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Thực hiện chủ trương cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính, trong đó cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu; rà soát, giảm chi phí kinh doanh, nhất là chi phí vốn, chi phí thủ tục hành chính gắn với triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm 10 Quốc gia cam kết mạnh mẽ, nhất là về cải cách thuế. Cả năm có khoảng 130.000 doanh nghiệp đăng ký mới; số lượng hợp tác xã mới tăng nhanh, doanh thu và thu nhập của người lao động được cải thiện. Các giải pháp chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế được tập trung chỉ đạo, đạt nhiều kết quả, đóng góp quan trọng trong phát triển đất nước; tích cực triển khai các Nghị quyết Trung ương về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hương xã hội chủ nghĩa; cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước 6,6-6,8% trong năm 2019. Trong đó Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

 

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra

Bên cạnh những thành công, báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận tốc độ phát triển kinh tế, phát triển kinh tế xã hội Việt Nam cũng còn một số hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thời gian còn lại của năm 2018, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; bám sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời; quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho sản xuất kinh doanh; làm tốt công tác phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2018 vào những năm cuối nhiệm kỳ:

Tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của đất nước. Quyết liệt đổi mới sáng tạo ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng hiệu quả cách mạng công nghiệp 4.0. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu đẩy mạnh cái cách hành chính, tư pháp, tinh gọn bộ máy Nhà nước; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục hành động quyết liệt; ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém; nỗ lực phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu