Việt Nam chung mục tiêu sẻ chia, hợp tác, vì một thế giới hòa bình

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam đã thực sự thể hiện vai trò là cầu nối giúp thế giới giải quyết bất đồng, tạo sự hòa dịu giữa các nước lớn. 

Năm 2021, bên cạnh thành công chung của công tác đối ngoại, đối ngoại đa phương tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín Việt Nam. Không chỉ trực tiếp tham gia, đóng góp ý kiến, đưa ra các sáng kiến, cam kết tại các diễn đàn khu vực và toàn cầu, Việt Nam còn thể hiện rõ là một thành viên có trách nhiệm, mong muốn sẻ chia, hợp tác vì mục tiêu xây dựng một thế giới hòa bình.

Việt Nam chung mục tiêu sẻ chia, hợp tác, vì một thế giới hòa bình - ảnh 1Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh. Ảnh: danviet.vn

Mặc dù đại dịch COVID-19 và những thách thức an ninh phi truyền thống tác động đến nhiều mặt của đời sống và quan hệ quốc tế nhưng năm 2021, Việt Nam vẫn tiếp tục chủ động, tích cực đóng góp, tham gia điều hành và dẫn dắt các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm vượt qua thách thức.

Đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các cơ chế toàn cầu

Trong năm 2021, Việt Nam đón nhận nhiều tin vui về đối ngoại đa phương. Đó là bên cạnh việc tiếp tục đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã trúng cử, chỉ định, tham gia rất nhiều cơ chế, diễn đàn của Liên Hợp Quốc như tái đắc cử vị trí thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế của Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2027, trúng cử vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, được bầu vào Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)…

Việt Nam chung mục tiêu sẻ chia, hợp tác, vì một thế giới hòa bình - ảnh 2Năm 2021 cũng là năm thứ 3 Việt Nam gửi bệnh viện dã chiến tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế ở Nam Sudan. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Đó là những dấu ấn quan trọng, khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhìn nhận: “Chúng ta đã tiến từng bước, từ lúc bắt đầu với chủ trương tham gia tích cực, rồi đến tham gia chủ động và tích cực và đến nay là tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Việt Nam từ trách nhiệm nhưng đồng thời có năng lực và có tâm thế để đóng góp vào những hoạt động ngoại giao đa phương. Trong bối cảnh rất khó khăn kể cả tình hình khu vực, thế giới cũng như dịch bệnh, rõ ràng đây là những hoạt động rất dồn dập và rất trách nhiệm của Việt Nam”.

Năm 2021 là năm thứ 2 Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, trong đó có 1 tháng làm Chủ tịch, Việt Nam đã thực sự thể hiện vai trò là cầu nối giúp thế giới giải quyết bất đồng, tạo sự hòa dịu giữa các nước lớn. Các nội dung thảo luận và văn kiện thông qua do Việt Nam dẫn dắt đều hướng tới mục tiêu giải quyết bất đồng, duy trì hòa bình, lấy người dân làm trung tâm bảo vệ trong các cuộc xung đột vũ trang. Nghị quyết 2573 về Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang được 100% các nước thành viên HĐBA nhất trí thông qua, đưa nghị quyết này thuộc khoảng 1% các nghị quyết HĐBA từ trước đến nay được tất cả thành viên đồng thuận.

Việt Nam còn thúc đẩy kết nối ASEAN và LHQ, đưa ra nội dung trong giải quyết thách thức khu vực, điển hình là Tuyên bố đồng thuận 5 điểm về Myanmar, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết tình hình bất ổn ở khu vực. Đại sứ Palestin tại Việt Nam Saadi Salami cho rằng: "Việt Nam là một quốc gia trên thực tế luôn là cơ sở vững chắc để giải quyết mọi vấn đề. Tôi thấy lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề trong khu vực và quốc tế là lập trường tích cực, xây dựng. Tôi nghĩ rằng khi có lập trường như vậy sẽ giúp các bên tìm ra giải pháp trên tinh thần cùng có lợi".

Thành viên có trách nhiệm, đóng góp giải quyết các thách thức toàn cầu

Năm 2021 cũng là năm thứ 3 Việt Nam gửi bệnh viện dã chiến tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế ở Nam Sudan. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đóng góp 500.000 USD cho cơ chế COVAX, tiếp nhận và điều trị thành công bệnh nhân là nhân viên LHQ nhiễm COVID-19 theo Cơ chế MEDEVAC (Nhóm Công tác sơ tán y tế toàn cầu của LHQ), gửi lực lượng y tế, bệnh viện hỗ trợ dịch tại Lào, trao tặng nhiều vật tư thiết bị y tế các quốc gia khác… Điều này chứng tỏ Việt Nam trong khả năng của mình sẵn sàng hỗ trợ và hỗ trợ kịp thời các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, dù nguồn lực còn hạn chế. Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh khẳng định: “Việt Nam thể hiện một tinh thần tương ái và tính trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế rất lớn. Điều này cũng thể hiện một điều, phải có năng lực thì mới có thể thực hiện được như việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, hay câu chuyện giúp đỡ các nước về y tế và phòng dịch trong lúc khó khăn nhất của thời kỳ đầu dịch. Việt Nam có khó khăn cấp bách nhưng vẫn chia sẻ. Điều này vừa thể hiện trách nhiệm, và chính những điều đó tạo ra uy tín mới cho Việt Nam, vị thế của Việt Nam được nâng lên”.

Trước thách thức biến đổi khí hậu, đe dọa tính mạng và sinh kế của hàng tỷ người trên thế giới, tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), Việt Nam cũng là quốc gia đi đầu trong thực hiện các cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nỗ lực đóng góp vì một hành tinh xanh, an toàn. Những cam kết và đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam bày tỏ: “Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong việc nâng cao tham vọng và tham gia các nỗ lực toàn cầu để chống lại biến đổi khí hậu, dù còn nhiều thách thức phải đối mặt. Việt Nam luôn là quốc gia tiên phong trong các hợp tác đa phương, đi đầu trong chủ trương lấy người dân làm trung tâm, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững ở cả khu vực và trên toàn cầu”.

Các hoạt động ngoại giao đa phương sôi động của 2021 không chỉ nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam, mà đồng thời còn đem lại những nguồn lực, là cơ sở để nâng cao kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong nước giai đoạn mới, thúc đẩy mối quan hệ song phương với các nước có vai trò chủ chốt trên thế giới cũng như trong khu vực, đóng góp vào hòa bình, phát triển chung của nhân loại.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu