Viễn cảnh kinh tế Nhật Bản mang tên Abenomics

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Abenomics được kỳ vọng sẽ là một liều thuốc hiệu quả để đưa đất nước thoát khỏi quỹ đạo của sự tăng trưởng èo uột
(VOV5) - Abenomics được kỳ vọng sẽ là một liều thuốc hiệu quả để đưa đất nước thoát khỏi quỹ đạo của sự tăng trưởng èo uột.

Ngày 29/10,  tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức hội thảo về “Abenomics” (hay còn gọi là những chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe). Sau gần hai thập kỷ chìm trong giảm phát, nền kinh tế một thời lớn thứ nhì thế giới đang bước vào một cuộc cải cách mạnh mẽ và Abenomics được kỳ vọng sẽ là một liều thuốc hiệu quả để đưa đất nước thoát khỏi quỹ đạo của sự tăng trưởng èo uột.

Abenomics là một kế hoạch cải cách đầy tham vọng được ông Shinzo Abe đưa ra ngay từ sau khi tái đắc cử Thủ tướng. Hoàn toàn khác biệt với các chính sách kinh tế được áp dụng bởi các nhà lãnh đạo trước đó, Abenomics được ví giống như một “liệu pháp sốc” được kê đơn với 3 trọng tâm gồm: thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng. Kế hoạch phục hồi kinh tế tham vọng này, như lời của ông Abe từng tuyên bố bắt đầu tranh cử, sẽ là cơ hội tốt để Nhật Bản giữ vững sức mạnh trên trường quốc tế. Abenomics cũng nhận được sự quan tâm lớn của dư luận thế giới, bởi nếu công thức được gọi là Abenomics này thành công, thì không chỉ mang lợi ích cho bản thân nước Nhật, mà còn là động lực cho sự tăng trưởng toàn cầu.

Bối cảnh ra đời

Nhìn lại những diễn biến 2 thập kỷ qua ở Nhật Bản, kể từ khi bong bóng trên thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán đổ vỡ hồi đầu những năm 1990, các công ty Nhật Bản đã tập trung vào việc cắt giảm nợ và chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Lương không tăng lên hoặc tăng rất chậm khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Điều này dẫn đến hai thập kỷ mất mát của Nhật Bản với tốc độ tăng trưởng GDP hầu như bằng 0. Thêm vào đó, thảm họa động đất sóng thần và khủng hoảng hạt nhân năm 2011 khiến tình hình kinh tế ở đất nước này càng thêm tồi tệ. Trong bối cảnh đó, để tạo nên tăng trưởng ở một quốc gia với dân số bị già hóa đã trở thành một nhiệm vụ hết sức khó khăn và đó cũng chính là lý do nhiều đời Thủ tướng phải ra đi. Chính ông Abe cũng từng thất bại trong năm 2006 với nhiệm kỳ đầu tiên chỉ vỏn vẹn 12 tháng.  Nhưng nay, với kế hoạch táo bạo này, Abenomics nếu thành công còn là điều kiện đảm bảo để vị Thủ tướng thứ 6 của Nhật Bản trong vòng 6 năm trở lại đây yên tâm tại vị.

Hiệu quả bước đầu

Chưa thể nói trước được hiệu quả của Abenomics nhưng rõ ràng tính đến thời điểm này, thành công đầu tiên mà Abenomics mang lại là nó đã tạo cho người dân cảm giác kỳ vọng về sự tái sinh mạnh mẽ của nền kinh tế. Theo kết quả thăm dò dư luận mà hãng tin Kyodo tiến hành cho thấy có tới 65% số người được hỏi hy vọng chính sách Abenomics sẽ mang lại hiệu quả. Niềm tin đó đã thổi bùng vào thị trường chứng khoán nước này với những pha tăng điểm kỷ lục, trái ngược với gam mầu xám của thị trường chứng khoán khu vực và thế giới. Tính chung chỉ số Topix của thị trường chứng khoán Nhật Bản đã tăng tổng cộng 61% sau gần 1 năm kể từ khi Thủ tướng Abe đắc cử Thủ tướng. Chính sách nới lỏng tiền tệ và tăng chi tiêu công cũng góp phần hạ giá đồng yên trên thị trường hối đoái. Lần đầu tiên trong vòng 4 năm qua, đồng USD vượt đỉnh 100 yên, tăng khoảng 30% so với năm 2012. Nhờ tỷ giá đồng yên cạnh tranh mà lĩnh vực xuất khẩu cũng có những thay đổi khả quan, trong đó các ngành sản xuất chính của nước này là ô tô và điện tử được hưởng lợi nhiều nhất do có giá rẻ hơn tại các thị trường nước ngoài. Nhằm thúc đẩy hơn nữa các chính sách kinh tế, Chính phủ Nhật Bản đã kích hoạt khoản ngân sách hơn 92 nghìn tỷ yen (khoảng 906 tỷ USD) cho tài khóa 2013. Thủ tướng Abe cũng cam kết thúc đẩy đầu tư cho lĩnh vực tư nhân và hoạt động của khối doanh nghiệp, hoạch định chương trình phát triển kinh tế cho 5 năm tới. Chính quyền đề ra các mục tiêu cụ thể như trong vòng 3 năm tới tăng tổng vốn đầu tư cho doanh nghiệp thêm 10% lên mức 70 nghìn tỷ yên (khoảng 700 tỷ USD) và tăng tổng thu nhập bình quân đầu người thêm hơn 1,5 triệu yên từ với mức hơn 3,8 triệu yên năm 2012 trong 10 năm tới. Cùng với đó là giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp, cải cách tư pháp và thiết lập các hệ thống mới.

Tác dụng phụ

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà phân tích và chuyên gia kinh tế, bất kỳ một kế hoạch cải cách nào cũng kèm theo đó nhiều ý kiến trái chiều và lo ngại. Theo IMF, chính sách Abenomics đang đối mặt nhiều rủi ro, trong đó có tác động của việc tăng chi tiêu công tới núi nợ khổng lồ, hiện đang lớn gấp đôi quy mô của nền kinh tế Nhật Bản và lạm phát cao hơn có thể đẩy lãi suất tăng cao, từ đó làm tăng chi phí vay mượn.

Dẫu vậy, IMF vẫn đưa ra những nhận xét lạc quan khi cho rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này sẽ tiếp tục phục hồi trong thời gian tới nhờ các dự án công trình công cộng quy mô lớn và gia tăng nhu cầu ở nước ngoài. Tăng trưởng liên tục có thể cũng giúp chính quyền Abe tăng thuế tiêu dùng từ năm 2014 và nhiều khả năng chính phủ sẽ có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 2,5% trong tài khóa 2013, tính đến hết tháng 3/2014. Với những bước đi ông Abe đang thể hiện, dư luận có thể hy vọng kinh tế Nhật Bản dần "bước vào con đường phục hồi toàn diện"./.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu