Vận động bầu cử, đợt “sát hạch” để cử tri lựa chọn đúng người cần bầu

Lại Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử báo cáo với cử tri.

Hội đồng bầu cử quốc gia ngày 27/4 công bố danh sách 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Theo quy định của pháp luật, bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức, các ứng cử viên sẽ tiến hành vận động bầu cử và công việc này phải kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ. Vận động bầu cử là công việc rất quan trọng để cử tri lựa chọn đúng người cần bầu. Tại thời điểm này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh thành, phố đang phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp chuẩn bị tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để những người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử.

   Vận động bầu cử,  đợt “sát hạch” để cử tri lựa chọn đúng người cần bầu - ảnh 1Ảnh minh họa: Báo Nhân dân

Vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện để cử tri hiểu rõ hơn người ứng cử; trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Vận động bầu cử tiến hành dân chủ, công khai

Pháp luật Việt Nam quy định việc tổ chức cho những người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử phải được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật. Ngoài các cuộc tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi ứng cử thì việc vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin, đại chúng cũng là kênh rất quan trọng để các ứng cử viên được thực hiện quyền vận động bầu cử.

Theo ông Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử có ý nghĩa như một đợt “sát hạch” tiếp theo để kiểm tra năng lực, phẩm chất của người ứng cử có xứng đáng, thật sự liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm…   " Theo tôi, mỗi ứng cử viên phải thể hiện rõ năng lực, trách nhiệm của mình bằng chương trình hành động để cử tri thấy rằng anh có làm được việc hay không và sau này giám sát, khi hứa với cử tri như thế nào và khi đã trúng cử rồi thực hiện kế hoạch đã hứa với cử tri ra sao. Cho nên mỗi ứng cử viên phải có chương trình hành động cụ thể trước cử tri thì khi đó mới có tính thuyết phục."

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng để cử tri có suy nghĩ tích cực và bỏ phiếu cho mình, ứng cử viên chuẩn bị thật kỹ những gì trình bày trước cử tri khi vận động bầu cử.

Chương trình hành động rõ ràng, mạch lạc nêu rõ mục đích, mục tiêu của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; đưa ra các giải pháp, hiến kế, chính sách... tác động đến sự phát triển của địa phương và của cả nước: "Cách trình bày trước cử tri chân thành, khiêm tốn, phải mang cái tâm của mình đến với cử tri và nhân dân  cả nước."

Thực sự đại diện cho tiếng nói của nhân dân

Cử tri mong muốn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong nhiệm kỳ tới là những người của hành động, thực hiện trách nhiệm với cử tri theo đúng tinh thần “điều gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng sẽ làm và quyết phải làm cho bằng được”. Do đó, điều mà nhiều cử tri quan tâm là việc ứng cử viên sẽ làm gì nếu trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và làm gì để thực sự là đại diện cho tiếng nói của nhân dân.

Cử tri Nguyễn Tâm Trinh, quận Đống Đa, Hà Nội và cử tri Chu Văn Phương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, bày tỏ:  Chương trình, vấn đề là nói mục tiêu phấn đấu khi là người đại diện cho nhân dân. Qua đó, chúng tôi thấy anh có khả năng để thực hiện hoài bão của anh và thực hiện mong của cử tri.”“Tôi rất mong các ứng cử viên có chương trình hành động và có những lời hứa trước cử tri, phải nghiêm túc thực hiện tốt chương trình hành động. Thông qua chương trình hành động, cử tri sẽ giám sát ứng cử viên và biết được hiệu quả hoạt động của ứng cử viên”.

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ diễn ra ngày 23/5. Việc vận động bầu cử dân chủ, công khai, công bằng sẽ tạo điều kiện để cử tri hiểu rõ hơn về người ứng cử, từ đó cân nhắc, lựa chọn bầu những người đủ tiêu chuẩn để đại diện cho mình trong cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cơ quan quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu