Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Hẹp (ADMM Hẹp) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 6 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, từ 16 đến 19/11. Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của các đại biểu dự Hội nghị là vấn đề Biển Đông. Các đại biểu đều khẳng định duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình ở khu vực.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN. - Ảnh: VOV |
Với chủ đề “An ninh bền vững," Hội nghị ADMM hẹp và ADMM+ lần thứ 6 tập trung thảo luận về khái niệm an ninh bền vững nhằm tăng cường an ninh quốc phòng, thúc đẩy niềm tin và tăng cường hợp tác an ninh giữa ASEAN và các đối tác đối thoại trên mọi phương diện. Các cuộc thảo luận được tổ chức trong 7 lĩnh vực hợp tác, gồm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh hàng hải, quân y, chống khủng bố, gìn giữ hòa bình, hoạt động nhân đạo và an ninh mạng.
An ninh bền vững không thể thành hiện thực nếu thiếu Biển Đông
Trong bài phát biểu tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN sáng 17/11, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN trao đổi sâu sắc về các thách thức an ninh biển, trong đó có Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông đối với an ninh khu vực và trên thế giới. Các Bộ trưởng đều khẳng định ASEAN cần đoàn kết, giữ vững vai trò trung tâm và dẫn dắt trong các cơ chế hợp tác tại khu vực nhằm ứng phó kịp thời với các thách thức đang nổi lên.
Bộ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định luật pháp quốc tế có thể chưa hoàn hảo do tình hình thế giới phát triển nhanh chóng, nhưng đây là công cụ hữu hiệu nhằm điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia nhằm duy trì hoà bình, ổn định trong khu vực và thế giới. Việc không tuân thủ luật pháp quốc tế, diễn giải hoặc chỉ áp dụng luật pháp quốc tế khi có lợi cho mình, sẽ gây ra sự nghi kỵ, mất lòng tin với nhau và thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ leo thang căng thẳng, đối đầu.
"Một ví dụ dễ thấy nhất là những căng thẳng trên biển Đông vừa qua là do có những hành động đơn phương, không tôn trọng lợi ích hợp pháp và chính đáng của các nước khác, không phù hợp với luật pháp và chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 đã dẫn đến nguy cơ đe dọa hòa bình ổn định khu vực và thu hút được sự quan tâm của nhiều nước ngoài khu vực. Các nước lớn theo đuổi mục đích riêng của họ và nếu không có được tiếng nói thống nhất, các quốc gia trong khu vực có nguy cơ bị gạt ra bên ngoài trong những vấn đề của chính mình. Để biển Đông thực sự trở thành vùng biển hoà bình ổn định và phát triển bền vững, điều kiện tiên quyết là luật pháp quốc tế phải được tôn trọng và điều này đòi hỏi cam kết nghiêm túc và trách nhiệm gìn giữ của tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực". - Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định.
Tại Cuộc gặp không chính thức giữa các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, các Bộ trưởng quốc phòng ASEAN trực tiếp nêu ra những quan ngại đối với tự do hàng hải trên Biển Đông, đồng thời ghi nhận những tiến triển gần đây trong tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (COC). Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc cam kết "sẵn sàng hợp tác với ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển".
Tiếng nói từ đối tác của ASEAN
Trong bài phát biểu tại Hội nghị không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper quan ngại về an ninh chủ yếu tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khẳng định cam kết của Mỹ về Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền các quốc gia dù lớn hay nhỏ và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Mỹ có chính sách thúc đẩy tự do hàng hải, hàng không và những hoạt động sử dụng vùng biển và vùng trời một cách hợp pháp. Đặc biệt, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trích mạnh mẽ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông: "Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông càng thổi phồng thêm tính không chính danh của đường chín đoạn, một yêu sách phi pháp và phi lý và đi ngược lại phán quyết của Toà trọng tài PCA tháng 7 năm 2016, tạo nên bất ổn và gia tăng nguy cơ xung đột".
Phía Mỹ cũng đánh giá ASEAN đang có một lập trường chung về Biển Đông, tin rằng tuyên bố của ASEAN sẽ là một phương tiện mạnh mẽ để thể hiện sự đoàn kết. Duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an ninh bền vững của khu vực ASEAN. Ngoài việc có một lập trường chung về Biển Đông, các quốc gia ASEAN cần tăng cường gắn kết nội khối, tạo sự đồng thuận để ứng phó linh hoạt, chủ động với những tác động từ bên ngoài, nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.