Ưu tiên nguồn lực để tăng tốc phát triển kinh tế 2021

Nguyên Long
Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo xuất phát điểm, nền tảng tốt cho giai đoạn 2021-2025. 

Chính phủ Việt Nam hôm nay họp phiên thường kỳ cuối cùng của năm 2020, trong đó đề cập nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế xã hội là “tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới” nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6% đến 7% trong năm 2021.

Ưu tiên nguồn lực để tăng tốc phát triển kinh tế 2021 - ảnh 1

Năm 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo xuất phát điểm, nền tảng tốt cho giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, Việt Nam cần ưu tiên dành nguồn lực để tăng tốc phát triển, hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ kế hoạch của năm quan trọng này. Đẩy mạnh đầu tư công vẫn tiếp tục được khuyến nghị là ưu tiên số một trong các giải pháp cấp bách giúp phục hồi kinh tế khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp.

Đánh giá cao các biện pháp cấp bách trong điều hành của Chính phủ trong năm 2020, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng Chính phủ cần tiếp tục nhưng ở cấp độ cao hơn, trong đó, cần đặc biệt lưu ý tới các tác động từ bên ngoài như những cú sốc về rủi ro tài chính, thiên tai, dịch bệnh..: “Thứ nhất hiện nay tinh thần phải làm là tinh thần thời chiến, ứng phó phải nhanh, phải quyết liệt, đồng bộ với sự vào cuộc của tất cả, những cái mà chúng ta đã làm tốt trong phòng chống dịch; Trong thực thi các chính sách kinh tế hỗ trợ chưa tốt chính vì vậy mà rất nhiều vấn đề của các gói hỗ trợ chúng ta vẫn có thể tiếp tục làm mạnh… Bên cạnh đó chúng ta cũng cần phải nghĩ đến những chính sách mới tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động vượt qua khó khăn. Các gói hỗ trợ mới này phải đủ dài, đủ về quy mô và gắn với cải cách cơ cấu và gắn với xu thế phát triển trên thế giới, ví dụ vấn đề chuyển đổi số, cách thức sống, cách thức tiêu dùng,thích ứng với biến đổi khí hậu.”

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh “tư duy điều hành và khung khổ điều hành cần phải có những đột phá”. Theo đó, cần đặt mục tiêu phục hồi kinh tế với các giải pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ, cụ thể và thực chất hơn để phục hồi tăng trưởng.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm: “Kích thích kinh tế thì rõ ràng là chính sách tiền tệ phải khác, đặc biệt là chính sách tài khóa phải rất khác, thâm hụt ngân sách phải lớn hơn, nợ công thay đổi.. và kèm với đó thì phải tập trung kích thích kinh tế vào đâu và chi tiêu của nhà nước phải tăng lên, đặc biệt chi tiêu về đầu tư.. và chúng ta đã có hàng loạt dự án đầu tư công quan trọng quy mô lớn, hạ tầng như vậy thì nên tập trung đầu tư vào đó, tập trung đầu tư nhiều hơn vào khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và xung quanh cũng như là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là ở Hải phòng... Hãy mở không gian ở đó ra và tạo như một trung tâm của dịch vụ logistics và cải thiện mạnh mẽ cái đó. Nếu chúng ta cải thiện được thành một trung tâm có năng lực cạnh tranh khu vực tôi tin rằng đó là điều kiện để chúng ta khai thác tốt hơn nguồn đầu tư nước ngoài có chất lượng.”

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lương Văn Khôi cho rằng đầu tư công đang là điểm sáng cho phục hồi tăng trưởng kinh tế. Cùng với việc tăng cường giải ngân tốt nguồn vốn đầu tư công tại các công trình, dự án đã xác định, Tiến sỹ Lương Văn Khôi nhấn mạnh tới việc điều hành của Chính phủ phải “chấp nhận thâm hụt ngân sách để có những khoản đầu tư tạo đà tăng trưởng lâu dài” cho nền kinh tế - thông qua “những khoản đầu tư không hối tiếc” - có thể gọi là gói kích thích kinh tế đặc biệt nhất hiện nay - đó chính là những khoản đầu tư lớn, tạo nền tảng cho phát triển bền vững, lâu dài, trong đó, cần tập trung vào các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi để thúc đẩy cơ sở hạ tầng gắn với an sinh xã hội.

Tiến sỹ Lương Văn Khôi phân tích: “Những khoản đầu tư không hối tiếc là những khoản đầu tư chúng ta không quan tâm đến hiệu quả về khả năng thu hồi về mặt tài chính, tuy nhiên những khoản đầu tư này sẽ có lợi ích rất lớn về mặt kinh tế - xã hội lâu dài cho đất nước. Ví dụ hiện nay chúng ta thấy rằng hiện nay những tác động ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu long thì chúng ta phải có những khoản đầu tư vào để khắc phục và hạn chế được những tác động của biến đổi khí hậu, và chúng ta cần phải có những khoản đầu tư lớn và coi như đây là những khoản đầu tư không hối tiếc.”

Ưu tiên nguồn lực để tăng tốc phát triển kinh tế 2021 - ảnh 2Chế biến tôm xuất khẩu tại Cà Mau. - Ảnh: nhandan.com.vn

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, cả trong trước mắt và lâu dài, Việt Nam phải kiên định với việc đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần tập trung đầu tư vào chuyển đổi số. Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nhìn nhận: “Trong thời gian tới, rõ ràng để đáp ứng với bối cảnh tình hình mới thì quá trình cơ cấu lại cũng như phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng cần phải coi trọng hai điểm nhấn, đó là phát triển thương mại điện tử, tăng chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp, và đặc biệt là tập trung vào phát triển mạnh hơn những mô hình kinh doanh mới dựa trên những kết nối nền tảng.”

Các giải pháp hỗ trợ cung cấp thông tin về các thị trường xuất nhập khẩu có lợi thế, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chất lượng cao cũng cần được triển khai để tận dụng tối đa các cơ hội mà hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.Cùng với đó, Việt Nam phải đặc biệt coi trọng thị trường nội địa, coi đây là giải pháp căn bản để đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng và tiêu dùng cốt yếu. Điều này đã được khẳng định trên thực tế Việt Nam ứng phó với diễn biến dịch bệnh covid-19 cũng như để đảm bảo cho phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trên toàn cầu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu