Sự bế tắc trong nỗ lực thiết lập một lệnh ngừng bắn lâu dài tại dải Gaza, tình trạng mong manh tại Li-băng, cục diện phức tạp mới tại Syria cùng sự đối đầu ngày càng công khai giữa Israel và Iran khiến môi trường an ninh tại Trung Đông tiếp tục gặp nhiều thách thức trong năm tới.
Một căn cứ không quân gần thủ đô Damacus, Syria bị Israel ném bom. Ảnh: CNN |
Hôm 25/12, các cuộc đàm phán mới nhất giữa Israel và phong trào Hamas ở dải Gaza tiếp tục đổ vỡ khi hai bên không đạt được nhân nhượng cần thiết. Thực tế này cho thấy 14 tháng sau khi xung đột bùng phát ở dải Gaza và lan rộng ra khu vực, các thách thức lớn nhất đối với hoà bình và ổn định tại Trung Đông vẫn chưa được giải quyết.
Giải pháp chính trị cho Gaza
Theo giới quan sát, trong bối cảnh xung đột tại dải Gaza đã kéo dài hơn 14 tháng, với các hậu quả tàn khốc về nhân mạng (hơn 45.000 người thiệt mạng) và cơ sở vật chất gần như đã bị phá huỷ hoàn toàn, các ưu tiên về quân sự và chính trị đang dần thay đổi và tiến gần đến bước ngoặt. Về mặt quân sự, quân đội Israel đã phá huỷ hầu hết sức mạnh của Hamas, đồng thời cũng thiết lập cục diện mới trên thực địa khi gần như đã chia cắt miền Bắc Gaza khỏi dải đất này. Bên cạnh đó, sự suy yếu của nhiều đồng minh quan trọng của Hamas, như: lực lượng Hezbollah tại Li-băng, các nhóm phiến quân ở Syria, Iraq và phần nào đó là Iran, khiến cho Hamas còn rất ít lựa chọn về quân sự để kéo dài xung đột với Israel. Tuy nhiên, về phía Israel, các thắng lợi về quân sự cũng phải đánh đổi bằng một giá đắt về ngoại giao và chính trị, khi hậu quả tàn khốc và khủng hoảng nhân đạo kéo dài tại Gaza khiến Israel ngày càng bị chỉ trích, thậm chí là cô lập, trên trường quốc tế. Do đó, theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông Jake Sullivan, hiện tại là thời điểm mà Israel cần phải ưu tiên cho vấn đề chính trị, tránh đẩy hàng triệu người dân Palestine ở Gaza vào con đường cực đoan “Cách tốt nhất để làm điều đó, theo tôi, là phải có một giải pháp chính trị. Điều đó cần bắt đầu bằng nhận thức căn bản rằng thường dân vô tội tại Gaza cần được đảm bảo không bị đặt vào tình thế tồi tệ hơn có thể khiến họ ngày càng trở nên cực đoan”.
Giải pháp chính trị cũng là trọng tâm được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế nhấn mạnh trong phiên họp đặc biệt về Israel và Palestine, tổ chức tại trụ sở LHQ hôm 19/12. Ông Khaled Khiari, trợ lý Tổng thư ký LHQ về Trung Đông, châu Á và Thái Bình Bình Dương, kêu gọi: “Chúng ta cần phải xây dựng một khuôn khổ chính trị và an ninh có thể giải quyết thảm hoạ nhân đạo hiện nay, sớm tiến hành việc phục hồi và tái thiết dải Gaza, tạo dựng nền tảng cho một tiến trình chính trị chấm dứt sự chiếm đóng, thiết lập giải pháp hai nhà nước bền vững càng sớm càng tốt”.
Tính toán của Israel và ẩn số Syria
Bên cạnh sự cấp thiết phải có lệnh ngừng bắn tại Gaza để cứu trợ nhân đạo cho hàng triệu người đang bị đe doạ bởi nạn đói và dịch bệnh, việc nhanh chóng xây dựng được giải pháp chính trị lâu dài cho Gaza cũng được xem là gốc rễ để ổn định các điểm nóng khác trong khu vực. Hiện tại, xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Li-băng vẫn đang trong tình trạng có thể tái bùng nổ bất cứ lúc nào, khi hai bên liên tiếp cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn 60 ngày, được thiết lập từ 26/11. Theo ông Bader Al-Saif, chuyên gia Chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Viện nghiên cứu Chatham House (Anh), môi trường an ninh tại Li-băng hiện hết sức mong manh do các giao tranh giữa Israel và Hezbollah vẫn tiếp diễn tại miền Nam Li-băng, đồng thời không có dấu hiệu cho thấy Israel sẽ sớm rút quân khỏi khu vực này. Điều này đồng nghĩa với việc kịch bản diễn ra xung đột lớn hơn giữa Israel với Hezbollah, cùng đồng minh lớn nhất của lực lượng này là Iran, vẫn chưa suy giảm.
Cảnh đổ nát tại khu vực bệnh viện Al Shifa ở Dải Gaza sau cuộc tấn công của Israel, ngày 1/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bên cạnh đó, biến động chính trị bất ngờ tại Syria, với sự sụp đổ hôm 08/12 của chính quyền ông Bashar Al-Assad, đang thúc đẩy Israel tiến hành nhiều hành động táo bạo hơn, trong đó có việc đưa quân chiếm giữ thêm một số địa điểm ở Cao nguyên Golan, khu vực chiến lược tiếp giáp miền Nam Li-băng và Bắc Israel. Theo Bader Al-Saif, các động thái này có thể giúp Israel giành được một số lợi thế trước mắt trong việc xác lập trật tự khu vực mới nhưng về lâu dài có thể tạo thêm các ngòi nổ cho bất ổn tại Trung Đông: “Về lâu dài, họ sẽ phải tìm đến con đường hoà bình. Tôi nghĩ Israel muốn theo đuổi một số biện pháp để buộc các nước khác, như các nước vùng Vịnh đi theo. Nhưng điều này đã không xảy ra. Các nước này đang đối thoại với Iran để tìm cách đối trọng với Israel. Do đó, Israel cần phải ý thức được điều này, đó là họ không sống đơn độc trong khu vực”.
Tương lai Syria ra sao sau chính biến cũng là một ẩn số khác với hoà bình và ổn định tại Trung Đông. Chuyên gia Haid Haid của Chatham House nhận định nếu các lực lượng đang nắm quyền tại Syria, cùng những cường quốc trong và ngoài khu vực, xây dựng được lộ trình hòa bình rõ ràng cho Syria, bao gồm việc chuyển giao quyền lực suôn sẻ và tuyển cử tự do, điều này có thể tạo hiệu ứng tích cực với khu vực giống như giai đoạn 2011, khi người dân một số nước được tiếp thêm động lực đấu tranh nhằm đạt được các tiến bộ xã hội rộng lớn hơn.