Triển vọng hợp tác Việt Nam – EU nhìn từ Hiệp định PCA

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) đã và đang phát triển tích cực và toàn diện, thể hiện ở chỗ hai bên đã thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai sớm Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA) giai đoạn 2011 – 2012 và vừa tuyên bố khởi động kế hoạch triển khai PCA giai đoạn 2012 – 2014 tại “ Hội thảo Chương trình đối thoại chiến lược hỗ trợ thực thi PCA” diễn ra tại Hà nội.
(VOV5) - Quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) đã và đang phát triển tích cực và toàn diện, thể hiện ở chỗ hai bên đã thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai sớm Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA) giai đoạn 2011 – 2012 và vừa tuyên bố khởi động kế hoạch triển khai PCA giai đoạn 2012 – 2014 tại “ Hội thảo Chương trình đối thoại chiến lược hỗ trợ thực thi PCA” diễn ra tại Hà nội.

Triển vọng hợp tác Việt Nam – EU nhìn từ Hiệp định PCA - ảnh 1
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. (Ảnh: TTXVN năm 2012)

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1990 rồi ký Hiệp định khung hợp tác năm 1995, đặc biệt là sau khi ký kết Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA), ngày 27/06/2012 tại Brussells (Bỉ), quan hệ giữa Việt Nam và các nước thành viên EU đã và đang phát triển hết sức mạnh mẽ và toàn diện. Về mối quan hệ này, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: Quan hệ Việt Nam –EU nói chung và quan hệ thương mại nói riêng có các đặc điểm sau: nhanh về tốc độ; lớn về quy mô; tốt về chất lượng; rộng về phạm vi; vững về cơ sở pháp lý; tốt về chất lượng; trúng với yêu cầu và mục tiêu của Việt Nam. Chính vì 7 đặc điểm đó, quan hệ Việt Nam – EU chiếm một vị trí rất đặc biệt, nếu không muốn nói là cao hàng đầu trong quan hệ Việt Nam với các đối tác khác. Ví dụ: trong quan hệ buôn bán, Mỹ cũng là một thị trường lớn của Việt Nam nhưng sự hợp tác chưa phải là toàn diện như với EU. Hoặc với Trung Quốc cũng là một đối tác thương mại của Việt Nam nhưng cũng không toàn diện và có sự chênh lệch quá lớn.

EU hiện là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực từ chính trị - ngoại giao, hợp tác phát triển, thương mại – đầu tư, khoa học – công nghệ đến ứng phó với các thách thức toàn cầu. Lãnh đạo Việt Nam và EU luôn khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam – EU và mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ này để tương xứng với tiềm năng và vị thế của 2 bên. Phát biểu tại hội thảo Chương trình Đối thoại chiến lược hỗ trợ thực thi Hiệp định Đối tác và Hợp tác Việt Nam – EU diễn ra hôm 05/06, tại Hà Nội, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Franz Jessen nêu rõ: Việt Nam có vai trò quan trọng tích cực đối với EU. Chúng tôi hoan nghênh và quan tâm tới cam kết của Việt Nam gánh vác trách nhiệm quốc tế hơn hơn nữa. Chúng tôi mong muốn tiếp tục đối thoại và hợp tác với Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế. Tôi cho rằng Việt Nam và EU có chung quan điểm rằng thúc đẩy nhân quyền và pháp quyền là động lực của sự phát triển. Đây cũng là chủ đề được châu Âu rất quan tâm theo dõi và đối thoại nhân quyền giữa 2 bên là một ví dụ điển hình về khả năng tăng cường hợp tác song phương Hiệp định PCA. Việt Nam nằm trong tâm điểm của nhiều chuyển biến chiến lược đang diễn ra tại châu Á. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam, hiện đang là điều phối viên quan hệ ASEAN – EU trong 3 năm tới.

Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU cũng tăng trưởng ấn tượng. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thương mại hai chiều năm 2012 vẫn đạt 29,09 tỷ USD, tăng gần 20% so với năm 2011. EU trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là thị trường lớn cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày dép, may mặc, thủy sản, đồ gỗ, điện tử, hàng tiêu dùng. Chỉ riêng hai tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – EU đạt trên 5 tỷ USD, tăng 28%. Tới đây, EU sẽ dành cho Việt Nam một khoản hỗ trợ với tổng trị giá hơn 15 triệu euro để triển khai các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư… đã nêu trong Hiệp định PCA. Ông Franz Jessen cho rằng: Kinh tế Việt Nam và EU có tính bổ sung cao, chúng ta cần dựa trên sự khác biệt về cấu trúc của hai nền kinh tế nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế. Đây là lý do chúng tôi muốn các nguyên tắc liên quan tới thương mại và đầu tư trong hiệp định PCA sẽ sớm được bổ sung bởi hiệp định FTA Việt Nam- EU. Hiệp định FTA và PCA sẽ giúp đưa trao đổi thương mại 2 chiều, đầu tư và quan hệ song phương lên các tầm cao mới.

Cùng với đó, EU cũng xây dựng Chương trình Đối tác tư pháp, dành cho Việt Nam một khoản kinh phí trị giá hơn 18 triệu euro để hỗ trợ Việt Nam triển khai PCA trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp…

Các thỏa thuận trong PCA là tiền đề quan trọng để 2 bên thiết lập các cơ chế hợp tác cụ thể, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU trong thời gian tới theo hướng “quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện và lâu dài vì hòa bình và phát triển của khu vực và thế giới”. Nỗ lực từ 2 phía triển khai Hiệp định này tại thời điểm hiện tại sẽ mở ra những triển vọng mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam- EU./.

 

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu