Trên dưới đồng lòng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Vân Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Nguy cơ về tham nhũng, tiêu cực luôn chực chờ nếu không có biện pháp đấu tranh và ngăn ngừa quyết liệt.

Một trong các nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội là Đề án thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Dư luận cho rằng đây là sự tiếp bước thành công của mô hình Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực vốn hoạt động hiệu quả trong thời gian qua. Và việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh được xem là biện pháp hữu hiệu để trên dưới đồng lòng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Trên dưới đồng lòng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng - ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5. Ảnh: VGP

Một trong những nguy cơ mà Đảng cộng sản Việt Nam chỉ ra cách đây gần 30 năm ảnh hưởng đến sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, có nạn tham nhũng. Nguy cơ về tham nhũng, tiêu cực luôn chực chờ nếu không có biện pháp đấu tranh và ngăn ngừa quyết liệt.

Trên dưới đồng lòng

Mô hình Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp do Tổng bí thư Ban chấp hành TW Đảng làm Trưởng ban đã chứng minh hiệu quả rõ ràng trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua. Minh chứng là số lượng vụ, việc tham nhũng, kinh tế được phát hiện, xử lý tăng lên. Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật một số tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương, cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Kết quả này góp phần củng cố niềm tin của người dân với Đảng và Nhà nước. Do đó, việc cần kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là bước tiến thiết thực để hòa chung với sự chỉ đạo của Trung ương theo tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. 

Đến nay đã có 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo để tham mưu cho Tỉnh uỷ, Thành uỷ lãnh đạo, chỉ đạo công tác này (Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng, An Giang, Khánh Hoà). Qua góp ý xây dựng Đề án thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, đã có 63/63 Tỉnh uỷ, Thành uỷ nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo. Ngay trong phát biểu khai mạc Hội nghị TW 5, Tổng bí thư Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ: “Đề nghị Trung ương nghiên cứu, cho ý kiến về chủ trương thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách quyết liệt đồng bộ từ TW đến địa phương theo tinh thần tôi đã nhiều lần nói “ trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Chúng ta không làm thay cấp tỉnh, tỉnh phải làm. Chúng ta có cả một hệ thống thì tôi nghĩ là chúng ta sẽ làm tốt hơn”.

Chủ trương đúng đắn, cần thiết  

Dư luận cho rằng Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ra đời được xem như “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương. Nếu được tổ chức tốt, Ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ giúp cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đi vào thực chất, kịp thời và hiệu quả hơn, giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chống "giặc nội xâm" được liền mạch, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.  

Trên dưới đồng lòng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng - ảnh 2Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Ảnh: VOV

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nhận định: “Việc thành lập Ban Chỉ đạo ở cấp tỉnh để không chỉ phòng, chống tham nhũng đối với những diện mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý mà theo phân cấp quản lý cán bộ còn có những diện cán bộ thuộc cấp ủy cấp tỉnh, rồi cấp ủy cấp huyện quản lý. Cho nên việc thành lập Ban Chỉ đạo để thể hiện sự đồng bộ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chủ trương này hoàn toàn đúng đắn và cần thiết”.

Theo ông Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nếu Ban chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập sẽ giải quyết một cách kịp thời những vấn đề còn tồn đọng, tiêu cực của địa phương. Hơn nữa, chống tham nhũng, tiêu cực phải thống nhất từ trên xuống dưới, từ Trung ương tới địa phương, cho nên nếu thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ mở rộng phạm vi hoạt động, đồng thời sát với yêu cầu của từng địa phương. Vì vậy, đây là một chủ trương sáng suốt, đúng đắn, được nhân dân ủng hộ, đồng tình.

 Đề án Thành lập Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh được trình xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội.  Nếu được thông qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những chuyển biến, góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng cũng như phù hợp với nguyện vọng của người dân.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu