(VOV5) - Sự kiện này là hình mẫu cho tính dân chủ trong bầu cử đồng thời là tiền đề xây dựng thể chế dân chủ ở Việt Nam.
Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 để bầu ra Quốc hội đầu tiên đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son xác lập rõ ràng và thuyết phục về quyền làm chủ của nhân dân sau một thế kỷ mất tự do. Sự kiện này là hình mẫu cho tính dân chủ trong bầu cử đồng thời là tiền đề xây dựng thể chế dân chủ ở Việt Nam.
|
Hình ảnh về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 (Ảnh tư liệu) |
Ở thời điểm diễn ra Tổng tuyển cử, tại Nam Bộ và Nam Trung Bộ, thực dân Pháp mở rộng chiến tranh, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, dựng lên chế độ "Nam Kỳ tự trị" với một Chính phủ bù nhìn tay sai. Ở phía Bắc, 18 vạn quân Tưởng lấy danh nghĩa đồng minh tràn vào tước vũ khí quân Nhật, kéo theo bè lũ tay sai hòng chiếm chính quyền, phá hoại tổng tuyển cử. Tuy nhiên, nhân dân các nơi vẫn bày tỏ tin tưởng vào những đại biểu Việt Minh và những người yêu nước chân chính.
Dân chủ trong bầu cử và ứng cử
Thể lệ bầu cử và tên người ứng cử được ghi rõ và công bố công khai trên Báo Cứu Quốc cả tuần trước ngày diễn ra cuộc Tổng tuyển cử lịch sử. Thể thức bầu cử là phổ thông đầu phiếu, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện chủ trương “thống nhất, thống nhất và thống nhất”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh quyết định mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử. Quyết định này cho thấy sự tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, tôn trọng người tài năng, đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, thiện tâm thiện chí vì quyền lợi tối cao của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Vì lẽ đó cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết. PGS - Tiến sỹ Bùi Xuân Đức cho rằng: Cuộc Tổng tuyển cử tuy là lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam nhưng đã thể hiện đầy đủ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc bầu cử mới: tự do bầu cử, tự do ứng cử. Điều này được hiểu như bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đây là thành công mà không phải bất cứ quốc gia dân chủ nào cũng thực hiện được. Chúng ta thực hiện ngay các nguyên tắc bầu cử dân chủ. Tuyên truyền bầu cử được tiến hành dân chủ, rộng rãi và thực chất.
Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, 89% cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu, bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng. Như vậy, Quốc hội đã hội tụ các đại biểu của cả 3 miền Trung Nam Bắc, hội tụ đại biểu của tất cả các ngành, các giới, các giai cấp tầng lớp xã hội từ công nhân, nông dân, nam giới, nữ giới cho đến những nhà tư sản, công thương gia, những nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hoá nổi tiếng. Quốc hội cũng hội tụ đại biểu của các thành phần tôn giáo như Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Cao Đài, của tất cả các thành phần dân tộc, từ đa số đến thiểu số; của tất cả những người không đảng phái và các đảng phái chính trị. Như vậy, lần đầu tiên ở Việt Nam và ở cả Đông Nam á, xuất hiện một Quốc hội thật sự dân chủ.
Tiền đề xây dựng thể chế dân chủ
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử không chỉ là kết quả của sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc trong xây dựng chế độ xã hội mới mà còn là dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất Việt Nam có một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có tính hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân. PGS - Tiến sỹ Bùi Xuân Đức khẳng định: Cuộc Tổng tuyển cử đã chính thức hóa chính quyền bằng cách lập ra Quốc hội và từ đó cử ra Chính phủ chính thức, ban hành Hiến pháp, tạo dựng chính quyền đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Tổng tuyển cử đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng vào quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện chủ quyền nhân dân. Theo như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trước đây, chúng ta không có quyền dân chủ nay chúng ta có Hiến pháp, có Quốc hội để thực hiện quyền dân chủ.
|
Trước những vấn đề quan trọng của đất nước, các đại biểu đều lắng nghe ý kiến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân rồi mới tiến hành biểu quyết thông qua. Ảnh: Như Ý. |
Giá trị của Tổng tuyển cử đầu tiên chính là giá trị của tự do, từ đời nô lệ phụ thuộc thực dân sang làm chủ, giành lấy quyền, giành lấy độc lập, giành lấy tự do của một dân tộc mà không phụ thuộc vào bên ngoài.
Gần 70 năm kể từ ngày 6/1/1946, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức bầu cử thành công 13 khóa. Tuy nhiên, những giá trị dân chủ của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vẫn vẹn nguyên giá trị, mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc. Những giá trị đó đã, đang và sẽ được vận dụng trong xây dựng, phát triển Quốc hội để cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất này xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền lợi của toàn thể dân tộc trong giai đoạn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.