(VOV5)- Trong ký ức của nhiều người dân Việt Nam, ngày Mồng 6 Tháng Giêng năm 1946 là một ngày vui trọng đại, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử dân tộc VN. Sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là hiện thực sinh động về thể chế Nhà nước cộng hòa dân chủ, một loại hình Nhà nước pháp quyền cách mạng của nhân dân Việt Nam. Nhân kỷ niệm 66 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946 – 6/1/2012).
Ngày 5/1/1946, hàng nghìn người Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Ảnh: Tư Liệu
Nói về ý nghĩa lịch sử của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, đặc biệt là vai trò lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Quốc hội Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai khẳng định: Cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 của VN đã đánh đổ một cách căn bản chế độ thuộc địa và cũng chấm dứt luôn cả ngàn năm phong kiến.
Nhưng cái khó nhất của một cuộc cách mạng là xây dựng cái gì mới từ nền tảng của chế độ cũ. Đó là cả một quá trình chuẩn bị rất lớn về mặt tư tưởng, về mặt học thuyết và Chủ tịch HCM là người đi tiên phong. Tất cả những gì đã tích lũy được của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chặng đường hơn 20 năm bôn ba hải ngoại, tiếp cận rất nhiều với trào lưu chính trị, phong trào cách mạng thế giới thì cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn: trước hết là phải xây dựng một nhà nước pháp quyền, đó là mô hình thể chế chính trị hiện đại.
Ông Dương Trung Quốc bày tỏ: “Tôi nói nó là một thể chế chính trị tiến bộ nhất, bởi vì sao, bởi vì chúng ta đã xây dựng một nhà nước trên nền một nền tảng dân chủ, trên một quy trình dân chủ. Ngay vào thời điểm năm 1945, chiến tranh kết thúc, không phải quốc gia nào cũng đã áp dụng chế độ phổ thông đầu phiếu, không phải quốc gia nào, kể cả quốc gia tiên tiến ở Châu Âu đã chấp nhận một quyền bình đẳng giữa nam và nữ, giữa các sắc tộc, giữa các tôn giáo với nhau như những gì thể hiện ở VN mà trước hết là thể hiện ở việc xây dựng một nhà nước pháp quyền”.
Và ngày Mồng 6 tháng Giêng năm 1946, mặc cho kẻ thù chống phá nhằm lật đổ chính quyền non trẻ. Với ý chí kiên cường và niềm tin mãnh liệt vào sự lãnh đạo của Đảng, 89% cử tri trên cả nước đã nô nức đi bỏ phiếu để bầu ra 333 đại biểu.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử là dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất VN có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Theo Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên: Giá trị lịch sử của Quốc hội khóa I chính là giá trị đổi đời, từ đời nô lệ phụ thuộc thực dân sang làm chủ, giành lấy quyền, giành lấy độc lập, giành lấy tự do của một dân tộc mà không phụ thuộc vào bên ngoài. Ông cho rằng: “Giá trị của QH khóa 1 là một tổ chức có sự động viên huy động sức mạnh của cả dân tộc để kháng chiến. Là giá trị của độc lập, của tự do không bị phụ thuộc nước ngoài. Thứ 2, trên cơ sở đó người dân VN có đủ quyền tự do để đoàn kết, hội họp. Một giá trị nữa là sự mở đầu rất quan trọng về đại đoàn kết toàn dân tộc từ thôn xã đến trung ương, từ khu vực nông thôn đến thành thị, các tầng lớp, tôn giáo…phân biệt gì cả, thầy tu, giáo dân cùng tham gia kháng chiến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội đã làm tròn sứ mệnh rất xứng cùng với toàn dân làm nên thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp”.
Hơn 60 đại biểu đại diện cho các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc, các dân tộc, tôn giáo, có cả đại biểu từ Nam bộ, miền Nam Trung Bộ và Việt Kiều ở Thái Lan, ở Lào về dự đại hội là hình ảnh tiêu biểu của khối đoàn kết dân tộc, đồng tâm nhất trí đứng lên “đem sức ta mà giải phóng cho ta” ở một thời điểm thuận lợi ngàn năm có một. Đây là một Đại hội mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội VN, một cơ quan quyền lực nhà nước lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đã 66 năm trôi qua kể từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên ấy, các thế hệ đại biểu luôn kế thừa và phát huy những thành quả mà Quốc hội VN đã gây dựng và đạt được. Bà Mùa Thị Mỷ, đại biểu Quốc hội khoá 9 và 10 của tỉnh Sơn La vẫn tích cực với công tác xã hội và khi có điều kiện bà còn tham gia hoạt động cùng với các cơ quan của Quốc hội.
Đến nay, Quốc hội VN đã bước vào khóa thứ 13. Quốc hội tập trung nhiều công sức, trí tuệ và thời gian để tiếp tục đẩy mạnh công tác lập pháp. Quy trình xây dựng pháp luật đã được đổi mới. Số lượng văn bản luật được Quốc hội ban hành trong mỗi kỳ họp ngày càng nhiều hơn và với chất lượng ngày càng cao. Các văn bản luật được ban hành đã quán triệt đầy đủ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra, tạo cơ sở pháp lý cho công cuộc phát triển đất nước.
Cùng với hoạt động lập pháp, Quốc hội ngày càng chú trọng và chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, về tổ chức bộ máy nhà nước, về nhân sự, về kinh tế-xã hội, đối ngoại…Hoạt động giám sát của Quốc hội cũng đã được triển khai tích cực, có sự đổi mới cả về nội dung và hình thức giám sát.
Việc chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội tiếp tục được đổi mới và ngày càng thực chất hơn; các phiên họp này đã được phát thanh và truyền hình trực tiếp, không khí cởi mở, đối thoại thẳng thắn, trách nhiệm giữa người chất vấn và người trả lời, được nhân dân quan tâm theo dõi và hoan nghênh.
Các hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ hơn và đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân./.
Thu Hằng