Tín hiệu tích cực cho hòa bình Trung Đông

Chia sẻ
(VOV5) - Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 12 của Tổ chức Hồi giáo (OIC) tổ chức trong 2 ngày 6 và 7/2 tại thủ đô Cairo. Bên cạnh các nội dung thảo luận tại Hội nghị lần này, dư luận còn đặc biệt chú ý tới chuyến thăm của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tới Ai Cập, bởi đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia nước Cộng hòa Hồi giáo đến đất nước Kim tự tháp kể từ năm 1979. Việc xích lại gần nhau giữa hai cường quốc Trung Đông có thể đem lại những tín hiệu tích cực cho hòa bình trong khu vực.
(VOV5) - Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 12 của Tổ chức Hồi giáo (OIC) tổ chức trong 2 ngày 6 và 7/2 tại thủ đô Cairo. Bên cạnh các nội dung thảo luận tại Hội nghị lần này, dư luận còn đặc biệt chú ý tới chuyến thăm của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tới Ai Cập, bởi đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia nước Cộng hòa Hồi giáo đến đất nước Kim tự tháp kể từ năm 1979. Việc xích lại gần nhau giữa hai cường quốc Trung Đông có thể đem lại những tín hiệu tích cực cho hòa bình trong khu vực.


Tín hiệu tích cực cho hòa bình Trung Đông - ảnh 1
Sự xích lại quan hệ giữa Iran và Ai Cập đã mở ra nhiều cơ hội cho người dân hai nước. (Ảnh:thvl)


Iran và Ai Cập là hai quốc gia đông dân nhất ở khu vực Trung Đông, tuy nhiên quan hệ giữa Cairo và Tehran rơi vào băng giá sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.  Dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak, quan hệ giữa hai nước gặp không ít sóng gió. Ai Cập, với người Hồi giáo dòng Sunni chiếm ưu thế, luôn tạo liên minh với các quốc gia Arab khác để cô lập với Iran do người Hồi giáo thiểu số dòng Shi’ite. Suốt một thời gian dài, Ai Cập cáo buộc Iran hậu thuẫn các tay súng nổi dậy thuộc nhóm Hezbollah âm mưu tiến hành các hoạt động thù địch gây mất ổn định ở Ai Cập và coi Iran là nhân tố gây mất ổn định ở Trung Đông. Nhưng kể từ khi chế độ của cựu độc tài Hosni Mubarak sụp đổ và tổ chức Anh em Hồi giáo lên nắm quyền tại đất nước Kim tự tháp, quan hệ giữa Cairo và Tehran đã có những dấu hiệu được cải thiện. Đầu tiên là chuyến công du của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đến Iran hồi tháng 8 năm ngoái để tham dự Hội nghị phong trào không liên kết. Cũng cùng thời điểm đó, hai bên đã quyết định mở lại đại sứ quán tại mỗi nước. Về những vấn đề trong khu vực, mặc dù có những quan điểm trái chiều nhau, như cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria, nhưng cả Tehran và Cairo đều có những phản ứng hết sức thận trọng, tránh làm tổn hại đến mối quan hệ song phương mà hai bên đang nỗ lực gây dựng lại. Mới đây, Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi đã thực hiện chuyến thăm tới Cairo đến bàn về vấn đề liên kết người Hồi giáo trong khu vực. Rõ ràng, đây là những dấu hiệu tích cực trong quan hệ song phương Iran-Ai Cập sau một thời gian dài cắt đứt quan hệ ngoại giao.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Ai Cập của Tổng thống Iran Mahmoud Admadinejad nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận khu vực cũng như thế giới. Theo giới phân tích, hai cường quốc ở Trung Đông này có đủ lý do để xích lại gần nhau. Trước hết là xuất phát từ ý chí của mỗi bên. Với Iran, liên kết với Ai Cập sẽ mở cho Iran cánh cửa hòa nhập với các quốc gia Arab, dịu bớt căng thẳng giữa hai khối Hồi giáo Sunni và Shi’ite.  Thiết lập mối quan hệ gần gũi hơn với Ai Cập cũng giúp Iran bớt cô lập hơn trước sự bao vây, trừng phạt của Mỹ, phương Tây và các nước khu vực. Đặc biệt, trước một Israel đang bị coi là “kẻ thù hàng đầu” của các nước Arab tại Trung Đông, Tehran càng quyết tâm gạt bỏ mọi trở ngại để khôi phục quan hệ ngoại giao với Cairo.

Với Ai Cập, hình ảnh một đất nước Kim Tự tháp chìm trong bất ổn chính trị và các vụ biểu tình, bạo loạn đã khiến cho vai trò và vị thế của quốc gia này trong khu vực giảm sút rất nhiều. Vì vậy, để quay lại thể hiện vai trò, cải thiện vị thế của mình trong khu vực, không gì khác là đa dạng hóa các mối quan hệ trong khu vực, duy trì quan hệ với nước lớn, trong đó có Iran. Việc hợp tác chặt chẽ với Iran mở đường cho Ai Cập trở thành một phần trong thế cân bằng chính trị trong khu vực, giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Hơn nữa, quan hệ Israel - Ai Cập hiện nay không mấy thuận lợi do những bất đồng liên quan đến sự hiện diện quân sự trấn áp phiến quân tại bán đảo Sinai, cũng là nhân tố tác động để Cairo-Tehran xích lại gần nhau.

Chuyến thăm Ai Cập của Tổng thống Admadinejad không chỉ tạo ra cơ hội thúc đẩy hợp tác giữa hai cường quốc Trung Đông, mà còn mở ra những tín hiệu lạc quan tạo nền tảng ổn định chính trị ở từng quốc gia trong khu vực. Cái bắt tay nồng ấm giữa Tehran và Cairo sau một thời gian dài bị gián đoạn là tín hiệu tích cực, hứa hẹn một nền hòa bình thịnh vượng ở khu vực đang nóng bỏng này./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu