(VOV5)- Căng thẳng ngày càng gia tăng liên quan đến cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran đã và đang khiến cộng đồng quốc tế thực sự lo ngại. Bởi nếu chỉ cần một va quệt nhỏ, sự sơ xảy từ hai phía sẽ thổi bùng lên "đám cháy" lớn, châm ngòi cho một cuộc “Chiến tranh thế giới thứ ba”. Hiện tại, chưa có tín hiệu lạc quan nào để khai thông thế bế tắc.
Cuộc tập trận do Mỹ dẫn đầu đang diễn ra trên vùng Vịnh - Ảnh: Press TV
Sức nóng đang ngày một tăng nhiệt liên quan đến cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Iran những tuần gần đây. Giữa lúc chính quyền Israel luôn dự định tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran thì cuộc tập trận trên biển mang tên "Ứng phó mìn quốc tế 12", từ ngày 16 đến 27/9, do hải quân Mỹ dẫn đầu tại vùng Vịnh Persian, diễn ra rầm rộ với sự tham gia của 12 tàu chiến đến từ gần 30 quốc gia hàng hải hàng đầu thế giới, đã truyền thêm thông điệp cứng rắn của các cường quốc phương Tây nhằm ngăn chặn bất cứ hành động nào của quốc gia Hồi giáo này. Thêm vào đó, trên phương diện ngoại giao, kinh tế, những biện pháp mới cũng được các nước phương Tây siết chặt. Cụ thể, ngày 23/9, các ngoại trưởng của 3 quốc gia Anh, Pháp và Đức đã gửi đề nghị tới bà Catherine Ashton, đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), để kêu gọi áp đặt các biện pháp cứng rắn đối với Iran. Chi tiết của các biện pháp mới này vẫn đang được soạn thảo, song các ngoại trưởng của EU sẽ bàn về động thái này tại cuộc họp ở Brussells, Bỉ, vào ngày 15/10 tới. Trước đó, hồi trung tuần tháng 9 này, trong cuộc họp của ngoại trưởng các nước EU tại đảo Síp, 3 nước này cũng đã kêu gọi các nước khác trong EU nhất trí áp đặt biện pháp trừng phạt mới chống Iran, sau khi những cuộc đàm phán giữa nước này và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng với Đức), về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran đã không mang lại bất kỳ kết quả đột phá nào.
Trên phương diện ngoại giao, một đòn trừng phạt mới cũng đã được Mỹ thể hiện hôm 22/9. Đó là việc từ chối cấp thị thực cho 20 quan chức của Iran trong đó có 2 bộ trưởng, muốn tham dự khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, diễn ra trong tuần này tại thành phố New York (Mỹ). Trên thực tế, với tư cách là nước chủ nhà khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Mỹ có chính sách cấp thị thực cho thành viên các đoàn đại biểu các nước, bất chấp những tranh cãi với một số nước và hành động vừa qua là sự "khó hiểu" nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra bất cứ bình luận nào. Dư luận cho rằng, nguyên nhân mấu chốt của sự việc cũng liên quan đến cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Iran. Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua và được Tổng thống Mỹ Barack Obama ký phê chuẩn các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Iran để hạn chế họ xuất khẩu dầu mỏ, cản trở nước này phát triển kinh tế khiến Tehran gặp khó khăn trong việc cấp tiền cho chương trình làm giàu urani của mình. Trong khi đó, ngày 22/9, tại Washington, với 90 phiếu thuận và 1 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết khẳng định nước này sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã có những bước đi linh hoạt. Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Washington, ngày 24/9, ông M. Ahmadinejad khẳng định sẵn sàng đưa ra một thỏa thuận nhằm hạn chế kho chứa urani đã được làm giàu của nước này nhưng lại bày tỏ nghi ngờ thiện chí đàm phán của phương Tây. Người đứng đầu chính quyền Tehran còn nêu rõ, chương trình hạt nhân của Iran không phải là mối quan ngại thực sự của phương Tây mà đó có thể chỉ là cái cớ để phá hoại Chính phủ Hồi giáo của nước này. Tại diễn đàn Liên hợp quốc, ngày 24/9, ông M. Ahmadinejad đã chỉ trích các cường quốc phương Tây lạm dụng quyền phủ quyết tại Liên hợp quốc trong tranh cãi về hạt nhân với nước Cộng hòa Hồi giáo này và còn cho phép việc "báng bổ" đạo Hồi. Song song với đó, tiềm lực quân sự cũng được Tehran phô diễn nhằm đáp trả những hành động của các nước phương Tây. Ngày 24/9, Tehran đã giới thiệu xe bọc thép siêu nhẹ Hoveyzeh và xe bọc thép chở quân Talaeiyeh, được Cơ quan Công nghiệp Quốc phòng của nước này thiết kế và chế tạo, có khả năng trang bị nhiều loại vũ khí, tiến hành các nhiệm vụ ban đêm, dễ bảo dưỡng và có thể được dễ dàng chuyên chở bằng máy bay, trực thăng. Trước đó, ngày 23/9, phát biểu trên kênh truyền hình al-Alam phát bằng ngôn ngữ Arab của Iran, Chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran nói rằng Iran có thể sẽ phát động một cuộc tấn công phủ đầu nếu Israel chuẩn bị tấn công họ. Cùng ngày, Tehran cho biết không quân nước này đang lên kế hoạch tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn ở các khu vực phía Nam đất nước vào cuối năm nay theo lịch của Iran (tháng 3/2013). Còn tại thủ đô Tehran, ngày 21/9, chính quyền Hồi giáo này đã tổ chức diễu binh để trình diễn các loại vũ khí hạng nặng trước sự chứng kiến của Tổng thống M. Ahmadinejad trong hoạt động mở màn "Tuần lễ Quốc phòng"...
Từ những diễn biến trên cho thấy chưa hé lộ bất cứ tia hy vọng nào có thể khai thông thế đối đầu bế tắc hiện nay. Dù Nga, Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích những biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Iran, song đối với với các nước phương Tây, chính quyền của ông M. Ahmadinejad từ lâu đã là "cái gai" cần được nhổ bỏ, thì sự can dự của Nga, Trung Quốc cũng khó xoay chuyển được tình hình. Nguy cơ về một cuốc chiến tranh xảy ra là điều dư luận quan ngại và khi đó chảo lửa Trung Đông sẽ không có điểm dừng./.