Căng thẳng Iran-phương Tây chưa có điểm dừng

Chia sẻ

Cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran đang bị đẩy lên cao trào và chắc chắn không thể tìm kiếm được giải pháp hữu hiệu trong tương lai gần. Nguyên nhân đến từ hai phía là chính quyền của Tổng thống Iran M. Ahmadinejad và các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ liên tục ở trạng thái đối đầu nguy hiểm trên nhiều phương diện từ ngoại giao đến kinh tế - chính trị, thậm chí cả về quân sự. 

(VOV) Cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran đang bị đẩy lên cao trào và chắc chắn không thể tìm kiếm được giải pháp hữu hiệu trong tương lai gần. Nguyên nhân đến từ hai phía là chính quyền của Tổng thống Iran M. Ahmadinejad và các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ liên tục ở trạng thái đối đầu nguy hiểm trên nhiều phương diện từ ngoại giao đến kinh tế - chính trị, thậm chí cả về quân sự.

Trong một diễn biến mới, ngày 26-12, Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Thiếu tướng Ahmad Vahidi khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo này có thừa khả năng phát triển máy bay không người lái để đương đầu với bất kỳ cuộc chiến tranh tiềm tàng nào. Quan chức này còn cho biết Tehran có thể phát triển và duy trì những thành quả có được ngay cả "trong những điều kiện khó khăn nhất và thậm chí là các lệnh trừng phạt toàn diện". Trước đó, ngày 25-12, Tư lệnh Hải quân Iran, Đô đốc Habibollah Sayyari, tuyên bố hải quân nước này đang đóng tàu khu trục hiện đại thứ hai có tên gọi là Jamaran-2. Những động thái răn đe này diễn ra trong lúc chính quyền Tehran đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân mang tên "Velayat-e 90" (Uy thế), kéo dài 10 ngày trên Eo biển Hormuz (từ ngày 24-12), làm gia tăng quan ngại về khả năng Iran sẽ đóng cửa tuyến đường vận chuyển dầu mỏ chiến lược nhất thế giới này trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự giữa Tehran và phương Tây... Thời gian gần đây, Israel và đồng minh thân cận của nước này là Mỹ đã tăng cường các cuộc khẩu chiến với Iran. Tel và Washington buộc tội Tehran đang theo đuổi mục tiêu sở hữu vũ khí hạt nhân, song trên thực tế vẫn chưa đưa ra được một tài liệu cụ thể minh chứng cho các cáo buộc của mình. Cả Mỹ và Irael đều tuyên bố sẽ không loại bỏ khả năng tấn công quân sự nếu các biện pháp thương lượng ngoại giao về chương trình hạt nhân của Iran thất bại. Trong khi đó, phía Tehran thì lên án cả Washington và Tel Aviv đều sở hữu các vũ khí huỷ diệt trong đó có các đầu đạn hạt nhân. Và để đáp lại những áp lực quốc tế đang gia tăng, Tehran đã cảnh báo sẽ nhắm vào Israel và các quyền lợi toàn cầu nếu Tel Aviv tấn công. Iran cũng đã lớn tiếng tuyên bố nếu bị hoặc Mỹ hoặc Israel tấn công, nước này sẽ nhắm vào 32 căn cứ quân sự của Mỹ ở Trung Đông và đóng cửa eo biển Hormuz.

Dư luận cho rằng với những gì đang diễn ra, Tehran đã không nói suông. Nếu đóng cửa eo biển này sẽ là nguy cơ bất ổn lớn đối với thế giới. Bởi xét về địa chiến lược, Hormuz là một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới, nơi 40% lượng dầu thô trên toàn thế giới vận chuyển qua, chiếm xấp xỉ 1/3 tổng số giao dịch dầu mỏ bằng đường biển. Nếu Hormuz đóng cửa, giá dầu thế giới không những chao đảo mà những hệ lụy sau đó sẽ còn vô cùng nghiêm trọng.

Căng thẳng giữa Iran và phương Tây càng gia tăng khi giữa tháng 12 này Tehran tuyên bố đã bắn rơi một máy bay do thám không người lái RQ-170 của Mỹ tại khu vực miền Đông nước này. Đây là thiệt hại nặng nề của quân đội Mỹ. Các quan chức Lầu Năm Góc còn lo ngại sẽ có những chiếc máy bay tương tự RQ-170 ra đời nhưng không phải trên lãnh thổ Mỹ. Mâu thuẫn ngày càng trầm trọng khi Tehran tuyên bố đã đệ đơn kiến nghị lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và Phong trào Không liên kết (NAM) về việc máy bay Mỹ xâm phạm không phận của mình. Trong một diễn biến khác, ngày 25-12, Iran cũng bác bỏ những cáo buộc của Mỹ rằng nước này đang chứa chấp một thành viên của mạng lưới Al-Qaeda tên là Yasin al-Suri, nhân vật mà Mỹ đã thông báo treo giải thưởng 10 triệu USD cho người cung cấp thông tin về đối tượng này. Căng thẳng diễn ra và lan rộng khi cùng thời điểm này, các nước phương Tây liên tục tạo sức ép trên nhiều phương diện đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã mở rộng lệnh trừng phạt Iran khi bổ sung vào danh sách cấm vận 10 công ty vận tải ở Malta có liên kết làm ăn với Hãng vận tải biển Iran. Trong lúc đó, tại Rome (Italia), các nhà ngoại giao Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cùng các đồng minh khác đã thảo luận trừng phạt thêm Iran, có thể cả lệnh cấm vận dầu mỏ của EU.

Các nhà quan sát cho rằng khai thông cuộc khủng hoảng này không hề đơn giản. Hạt nhân chỉ là một cái cớ. Xa hơn, là từ vị trí chiến lược của Iran, các nước phương Tây muốn có vị trí địa lý đắc đạo mà quốc gia Hồi giáo này đang sở hữu ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là tuyến đường vận tải biển đi qua eo biển Hormuz. Chính điều đó đã và đang đẩy căng thẳng leo thang chưa có điểm dừng./.

Ánh Huyền

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu