Tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại hội nhập quốc tế sâu rộng

Ánh Huyền
Chia sẻ

(VOV5) - Chuyến công du của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là hoạt động đối ngoại quan trọng của Việt Nam trong năm 2016, là bước cụ thể hóa chính sách hội nhập quốc tế của VN theo tinh thần văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12

(VOV5) - Chuyến công du của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là hoạt động đối ngoại quan trọng của Việt Nam trong năm 2016, là bước cụ thể hóa chính sách hội nhập quốc tế của VN theo tinh thần văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12.


Tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại hội nhập quốc tế sâu rộng - ảnh 1
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đặt vòng hoa tại tượng đài Tổ quốc ở Roma. Ảnh: Việt Cường, VOV


Ngày 27/11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cuba, dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), thăm cấp nhà nước tới Italia, thăm Tòa thánh Vatican và tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 tại Madagasca. Chuyến công du của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là hoạt động đối ngoại quan trọng của Việt Nam trong năm 2016, là bước cụ thể hóa chính sách hội nhập quốc tế của Việt Nam theo tinh thần văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12


Tăng cường mối quan hệ gắn bó và đặc biệt tin cậy Việt Nam-Cuba

Chuyến thăm chính thức Cuba từ ngày 15-17/11/2016 của Chủ tịch nước Trần Đại Quang diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Cuba tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng ở mỗi nước, thông qua đường lối chính sách, chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước trong tình hình mới. Cuba cũng là nước đầu tiên ở Tây Bán cầu mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến thăm chính thức trên cương vị hiện nay, được lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và nhân dân Cuba đón tiếp hết sức trọng thị, ấm áp và nồng hậu. Điều này thể hiện truyền thống cũng như mong muốn và quyết tâm của hai bên tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đoàn kết anh em và hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các nhà lãnh đạo Cuba nhất trí các phương hướng lớn thúc đẩy quan hệ hai nước thời gian tới, đặc biệt tạo xung lực mới cho hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư song phương, trong bối cảnh Cuba có môi trường đối ngoại thuận lợi và đang từng bước tháo gỡ khó khăn, thiết lập môi trường sản xuất, kinh doanh ngày càng cởi mở.


Đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Italia đi vào chiều sâu

Chặng dừng chân thứ 2 trong chuyến công du của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là Italia diễn ra từ ngày 21-24/11. Trong tất cả các cuộc hội đàm, gặp gỡ giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo địa phương, đại diện các đảng cánh tả Italia, hai bên đều khẳng định tiếp tục thúc đẩy các cơ chế hợp tác hiện có, đặc biệt đặt mục tiêu phấn đấu đưa kim ngạch trao đổi thương mại từ mức 4,3 tỷ USD hiện nay lên 6 tỷ USD vào năm 2017-2018. Hai bên khẳng định tiếp tục ủng hộ nhau, phối hợp chặt chẽ tại các cơ chế và diễn đàn đa phương, Italia ủng hộ Việt Nam trong quan hệ với EU, thúc đẩy để sớm ký kết Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và EU.

Tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại hội nhập quốc tế sâu rộng - ảnh 2
Chủ tịch nước phát biểu tại Hội nghị Antananarivo. Ảnh: Việt Cường, VOV


Trong thời gian ở thăm Italia, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới thăm Tòa thánh Vatican, gặp gỡ Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Pietro Parolin. Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Pietro Parolin đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, hoan nghênh việc Việt Nam không ngừng hoàn thiện chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhất trí thúc đẩy tăng cường hợp tác, đối thoại giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican trong thời gian tới.


Khẳng định vai trò nước chủ nhà của Năm APEC 2017

Hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng trong chuyến công du lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 24 (APEC 24) tại Peru từ 17-20/11. Với vai trò là nước chủ nhà đăng cai APEC 2017, tại Diễn đàn này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang một lần nữa khẳng định vinh dự và trách nhiệm lớn lao của Việt Nam trong việc cùng các nền kinh tế thành viên nỗ lực làm cho Năm APEC 2017 ghi đậm dấu ấn của tiến trình phát triển không ngừng của Diễn đàn APEC, thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới. Chủ tịch nước mong muốn APEC 2017 tổ chức tại Việt Nam là dịp các thành viên APEC và bạn bè quốc tế cảm nhận sâu sắc về một nước Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển đầy năng động, con người Việt Nam giàu tình nghĩa, nhân văn và mến khách.


Cộng đồng Pháp ngữ coi trọng và đánh giá cao vai trò của Việt Nam

Hoạt động cuối cùng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong chuyến công du lần này là tham Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/11. Tại Hội nghị này, việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang là đại diện duy nhất đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát biểu tại lễ khai mạc là thể hiện sự đánh giá cao của Cộng đồng Pháp ngữ đối với Việt Nam. Tại đây, Chủ tịch nước đã nêu bật thông điệp cần “thúc đẩy hợp tác, tăng cường đoàn kết vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững”, kêu gọi Cộng đồng Pháp ngữ tăng cường đóng góp xây dựng một trật tự thế giới công bằng, bình đẳng hơn.. Chủ tịch nước cũng chia sẻ mô hình thành công của Việt Nam trong sự nghiệp Đổi mới toàn diện, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội. Bên lề Hội nghị này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng có một loạt các hoạt động song phương với nước chủ nhà Madagascar, gặp Tổng thư ký Pháp ngữ và nguyên thủ, lãnh đạo nhiều nước thành viên nhằm trao đổi các vấn đề cùng quan tâm và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, nhất là trên các lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Các chuyến thăm song phương và tham dự các diễn đàn đa phương của Chủ tịch nước Trần Đại Quang lần này đã thành công tốt đẹp. Kết quả này không chỉ đưa quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực mà còn tiếp tục thể hiện vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam, tham gia sâu rộng vào giải quyết các vấn đề thách thức toàn cầu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu