Việc gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ cuối tuần qua thống nhất về lộ trình thực thi thỏa thuận Paris 2015 là dấu ấn nổi bật của Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 ở Ba Lan (COP 24). Đây là thắng lợi của đàm phán đa phương, là sự nhượng bộ không nhỏ lợi ích riêng để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chung: chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Tuy chặng đường phía trước còn không ít khó khăn song có thể nói thế giới đã xích lại gần nhau hơn để ngăn chặn sự ấm lên của trái đất.
COP24 khai thông bế tắc thực thi Thỏa thuận Paris 2015. - Ảnh: Reuters |
Diễn ra từ 2 – 14/12, Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 có sứ mạng khai thông bế tắc trong thực thi thỏa thuận Paris. Bởi chỉ còn 2 năm nữa, năm 2020, thỏa thuận Paris sẽ có hiệu lực trong khi thế giới chưa có được lộ trình thực thi thỏa thuận.
Kết quả quan trọng
Liên hợp quốc xác định COP 24 là hội nghị quan trọng nhất về khí hậu kể từ sau khi thỏa thuận Paris 2015 được thông qua. Và lộ trình thực thi thỏa thuận Paris là 1 trong những mục tiêu lớn nhất cần phải đạt được của COP 24. Trong khi thế giới đang bế tắc trong việc triển khai văn kiện này thì những tác động tiêu cực của hiện tượng thời tiết cực đoan tới cuộc sống loài người ngày càng hiện diện rõ nét. Do vậy việc có những quy tắc cụ thể, rõ ràng sẽ biết được các nước có thực thi thỏa thuận Paris hay không hoặc thực thi đến đâu.
Không dễ để các bên đạt được đồng thuận về khuôn khổ mang tính kỹ thuật cao, với các quy định chi tiết về cách thức để các quốc gia báo cáo lượng khí thải nhà kính một cách minh bạch cũng như việc cắt giảm lượng khí thải. Quả thật, 2 tuần diễn ra COP 24 là những cuộc đàm phán, thương lượng căng thẳng, nhiều khi lâm vào bế tắc, giữa các quốc gia thành viên xung quanh nội dung về lộ trình thực thi thỏa thuận Paris. Bất đồng kéo dài đến tận ngày cuối cùng của Hội nghị khiến Ban tổ chức phải kéo dài chương trình nghị sự thêm một ngày. Thậm chí, Tổng thư ký Liên hợp quốc Anonio Guterres, ngoài việc phát biểu tại phiên khai mạc, đã phải quay trở lại Ba Lan lần thứ 2 để hối thúc các nhà lãnh đạo và các đoàn đàm phán thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc bảo vệ Trái Đất trước hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Kết quả là chương trình nghị sự thực hiện thỏa thuận Paris 2015 ra đời với những quy tắc cụ thể ràng buộc trách nhiệm các quốc gia trên thế giới trong nỗ lực chống lại sự ấm lên của Trái Đất. Theo đó, từ năm 2020, cứ 2 năm/lần, các quốc gia sẽ phải báo cáo minh bạch về kết quả chương trình cắt giảm khí thải cho Liên hợp quốc. 5 năm/ lần các quốc gia có thể điều chỉnh và nâng các mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Về tài chính, các quốc gia công nghiệp hóa đã đồng ý ghi vào phần chú thích, cam kết đóng góp tài chính cho các nước đang phát triển để thực hiện kế hoạch giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu và đổi sang năng lượng sạch.
Vẫn còn những thách thức
Tuy lộ trình thực hiện thỏa thuận Paris 2015 đạt được ở COP 24 là bước tiến quan trọng song các nhóm môi trường cho rằng Hội nghị chưa đáp ứng được việc nâng các mục tiêu tham vọng về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ trên trái đất. Các nước nghèo cũng chưa hiểu rõ về cách triển khai nguồn quỹ 100 tỷ USD/ năm chống biến đổi khí hậu đến 2020. Ngoài ra, 2 tuần diễn ra Hội nghị cho thấy tuy cả thế giới nhận thức được nguy cơ của biến đổi khí hậu song quan điểm và cách tiếp cận trong việc ứng phó vẫn còn rất nhiều khác biệt, và lợi ích trong việc phát triển kinh tế vẫn được coi trọng hơn vấn đề bảo vệ môi trường. Điều này có thể cản trở nhiều đến nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu trong tương lai.
COP 24 đã khép lại với kết quả quan trọng. Tuy vẫn còn một số ý kiến khác biệt song không thể phủ nhận với COP 24, thế giới đã tiến thêm một bước dài trong cuộc chiến chống lại sự ấm lên của trái đất.