3 năm sau khi thế giới đạt được Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, LHQ và các quốc gia đang gặp không ít khó khăn để hiện thực hóa các cam kết của văn kiện lịch sử này. Hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ (COP 24) đang diễn ra ở Ba Lan được coi là cơ hội hiếm hoi để các nước cùng LHQ hoàn tất một bộ quy chuẩn hướng dẫn thực thi Thỏa thuận Paris một cách đầy đủ nhưng xem ra mục tiêu này không dễ đạt được.
Khung cảnh Hội nghị về biến đổi khí hậu |
Gần 200 quốc gia tham gia ký kết Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu có thời gian 2 tuần (2 - 14/12), tại Katowice (Ba Lan) để hoàn tất một bộ quy chuẩn nhằm kìm hãm sự tăng nhiệt của Trái Đất ở dưới mức 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, và tiếp tục nỗ lực để hạn chế sự gia tăng nhiệt đến 1,5 độ C. Tuy nhiên, tình trạng biến đối khí hậu đang diễn ra nhanh hơn so với biện pháp đối phó của con người.
COP 24 là cơ hội hiếm hoi
Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 24 tại Ba Lan là một trong hai hội nghị cuối cùng trước thềm năm 2020 khi Thỏa thuận Paris 2015 chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có nhiều động thái của các quốc gia để ngăn chặn những tác động của biến đổi khí hậu. Vì thực tế là 3 năm qua, hiện tượng thời tiết cực đoan trên Trái Đất vẫn ngày càng gia tăng. Thế giới phải chứng kiến một loạt vụ cháy rừng dữ dội làm nhiều người thiệt mạng. Các đợt nắng nóng gay gắt với mức nhiệt cao hơn 40oC ở nhiều quốc gia và những đợt hạn hán kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và sản xuất nông nghiệp. Động đất, sóng thần, các cơn bão ngày càng có sức tàn phá mạnh và mực nước biển ngày càng dâng cao, gây ngập lụt ở nhiều nơi.
Tác nhân gây ra hiện tượng thiên nhiên cực đoan chính là sự ấm lên toàn cầu không thể kiểm soát nổi. Cảnh báo đáng lo ngại của các tổ chức khí tượng và môi trường của Liên hợp quốc là nhiệt độ toàn cầu đang tiếp tục tăng và có khả năng tăng thêm từ 3 tới 5 độ C trong thế kỷ này, vượt xa so với mục tiêu hạn chế mức tăng từ 1,5 cho tới 2 độ C đã được đặt ra trong Thỏa thuận Paris. Đến năm 2030, lượng khí thải làm trái đất ấm lên cũng có thể cao hơn từ 13 tỷ tấn đến 15 tỷ tấn so với giới hạn cần thiết. Điều đó có nghĩa thế giới cần phải nỗ lực gấp ba thậm chí gấp năm lần từ nay tới năm 2030 để đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris đề ra.
Trong bối cảnh trên, Hội nghị COP 24 tại Ba Lan có 2 nhiệm vụ chính đó là đưa ra một bộ quy chuẩn với các chi tiết cụ thể hiện thực hóa Hiệp định Paris sau quyết định rút lui của Mỹ và nhiệm vụ thứ 2 là cam kết chính trị rõ ràng và kế hoạch hành động cho mục tiêu chung vào năm 2020. Đây là cơ hội không thể tốt hơn để huy động các quốc gia cùng chung tay chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên thực tế không dễ hợp tác như vậy.
Khó đạt mục tiêu
Đại diện của đầy đủ các thành viên của LHQ đều tham dự COP 24. Nếu nhìn vào con số này thì ai cũng tin vào kết quả tích cực tại hội nghị. Song đáng tiếc là các lãnh đạo quốc tế chủ chốt đều vắng mặt, thay vào đó là đại diện cấp thấp hơn. Nói cách khác, các đại biểu tham dự COP 24 rất đa dạng nhưng khó tìm thấy ở đây các nhân vật tầm cỡ. Mỹ thì đã rút khỏi thỏa thuận Paris từ năm ngoái. Còn Thủ tướng Pháp Edouard Philippe, vốn được coi là chính trị gia quan trọng tại sự kiện này, đã hủy bỏ chuyến đi Ba Lan do bùng phát cuộc biểu tình trong nước. Đa số các quốc gia châu Âu đều cử đại diện cấp Bộ. Trong khi đó, chỉ có châu Phi cử phái đoàn hùng hậu tham dự với các Tổng thống của Nigeria, Benin, Senegal, Botswana, Mauritania hay Congo.
Trước thềm COP 24, Chính phủ mới của Brazil tuyên bố rút đề nghị đăng cai COP 25 vào năm tới. Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Brazil Jair Bolsonaro cũng cam kết sẽ "nối gót" Mỹ rút Brazil ra khỏi thỏa thuận Paris do không đồng ý với những biện pháp bảo vệ rừng Amazon. Động thái này có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền đối với một số nước thải nhiều khí CO2 và nhiều nước sản xuất dầu mỏ nếu như bộ quy chuẩn thực hiện thỏa thuận Paris không được hoàn thiện tại hội nghị thượng đỉnh ở Ba Lan.
Đó là còn chưa kể tới sự chia rẽ trong nội bộ các nước Liên minh châu Âu, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng ảnh hưởng đến chính sách biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, cam kết của thỏa thuận Paris về việc các nước phát triển tài trợ 100 tỉ USD/năm từ nay đến 2020 cho chính sách khí hậu của các nước nghèo dường như giậm chân tại chỗ. Thực tế, sau 3 năm đạt được thỏa thuận Paris, số tiền huy động được từ "quỹ 100 tỷ USD/năm" hiện mới chỉ dừng lại ở con số 10 tỷ USD.
Rõ ràng thế giới đang chậm chân trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
COP 24 mới bắt đầu những ngày họp đầu tiên. Giới chuyên gia, các nhà nghiên cứu mong mỏi tại sự kiện này, các nước sẽ đạt được sự nhất trí cần thiết để chống biến đổi khí hậu. Nhưng hy vọng là một chuyện, còn đạt được mục tiêu lại phụ thuộc vào việc các nước có vượt qua được những lợi ích riêng hay không?