Thực thi thỏa thuận ngừng bắn ở Syria: nhiệm vụ không dễ dàng

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được giữa Mỹ và Nga đã bắt đầu có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Syria từ 19h ngày 12/9 (giờ địa phương), trùng thời điểm bắt đầu lễ Hồi giáo Eid al-Adha.

(VOV5) - Thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được giữa Mỹ và Nga đã bắt đầu có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Syria từ 19h ngày 12/9 (giờ địa phương), trùng thời điểm bắt đầu lễ Hồi giáo Eid al-Adha. Nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội hiếm hoi để có thể chấm dứt tình trạng bạo lực kéo dài dai dẳng ở quốc gia Trung Đông này trong 5 năm qua. Song bên cạnh đó, cũng có không ít sự quan ngại về khả năng các bên tuân thủ triệt để thỏa thuận ngừng bắn này.

Thực thi thỏa thuận ngừng bắn ở Syria: nhiệm vụ không dễ dàng  - ảnh 1
01 Ngoại trưởng Mỹ (trái) và người đồng cấp Nga thông qua kế hoạch ngừng bắn mới tại Syria, Geneva, Thụy Sĩ, ngày 10/9/2016. (Ảnh: Xinhua)


Thỏa thuận ngừng bắn đạt được ngày 10/9, tại Geneva (Thụy Sỹ), sau nhiều nỗ lực ngoại giao giữa Nga và Mỹ. Thỏa thuận ngừng bắn kéo dài trong 48 giờ và nếu nó được tuân thủ, sẽ có 1 tuần ngừng bắn tiếp theo. Theo thỏa thuận, quân đội chính phủ Syria phải dừng tất cả các hoạt động quân sự trên toàn quốc. Về phần mình, phe đối lập Syria cũng dừng các cuộc tấn công. Một yếu tố quan trọng của thỏa thuận ngừng bắn là lực lượng nổi dậy và quân chính phủ Syria được yêu cầu rút khỏi hai khu vực trọng điểm giao tranh ở Aleppo nhằm tạo ra một khu vực phi quân sự để các tổ chức nhân đạo tiếp cận với thường dân.


Mỹ và Nga đều coi thỏa thuận ngừng bắn tại Syria mang tính bước ngoặt, đem lại hy vọng lớn có thể đưa các bên xung đột tại Syria trở lại bàn đàm phán, giúp vãn hồi hòa bình cho người dân Syria.


Những tín hiệu tích cực

Theo Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, thỏa thuận ngừng bắn sẽ là điểm khởi đầu để nối lại các bước đi theo giải pháp hòa bình ở Syria và chuyển đổi chính trị tại đất nước này. Nga và Mỹ tin rằng nếu được thực hiện thì kế hoạch này sẽ có khả năng mang lại những thay đổi tích cực và trở thành điểm xuất phát trong tiến trình hòa bình Syria. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đưa ra cam kết Nga sẽ cùng với  Hoa Kỳ làm tất cả những gì trong khả năng của hai nước để những thỏa thuận sẽ được tất cả các bên tôn trọng.

Thực thi thỏa thuận ngừng bắn ở Syria: nhiệm vụ không dễ dàng  - ảnh 2
Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria đã giúp giảm đáng kể số thương vong kể từ khi có hiệu lực hôm 27/2. (Ảnh: Reuters)


Trong một phản ứng tích cực, Chính phủ Syria ngày 11/9 tuyên bố chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Nga bảo trợ. Cùng ngày, từ phía đối lập, các nhóm thuộc Quân đội Syria Tự do trong một bức thư gửi đến Mỹ cũng tuyên bố đồng ý và cho biết sẽ “hợp tác tích cực”. Mặc dù lá thư không nói rõ các nhóm này sẽ tuân thủ lệnh ngừng bắn song hai quan chức thuộc các lực lượng này khẳng định họ tôn trọng lệnh ngừng bắn ngay sau khi nó có hiệu lực.


Trong khi đó, Nhóm nổi dậy Hồi giáo cứng rắn ở Syria, Ahrar al-Sham cũng không còn đưa ra các tuyên bố không tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn như trước .


Đáng chú ý, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết trong 2 giờ đồng hồ sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, bạo lực giữa các bên đã bắt đầu giảm. Theo Ngoại trưởng Mỹ, tình trạng bạo lực vẫn diễn ra ở một số nơi song điều là tự nhiên ở giai đoạn đầu của lệnh ngừng bắn.


Thách thức lớn

Không thể phủ nhận nếu thỏa thuận ngừng bắn được tuân thủ sẽ giúp giảm bạo lực và nối lại hoạt động đàm phán hướng tới một nền hòa bình tại Syria song Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phải thừa nhận không đảm bảo chắc chắn 100% việc thực thi thỏa thuận mà Nga và Mỹ vừa đạt được. Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Konstantin Kosachev thì cảnh báo thỏa thuận này có được tuân thủ hay không và văn kiện vừa được ký kết tại Geneva (Thụy Sĩ) có thể trở thành tài liệu mang ý nghĩa lịch sử hay không còn phụ thuộc vào thái độ của chính quyền Syria và các phe phái đối lập có vũ trang ở quốc gia Trung Đông này. Bên cạnh đó, nó còn phụ thuộc vào thái độ của bên thứ ba, đó là các tổ chức khủng bố đang chi phối tình hình Syria.

Thực thi thỏa thuận ngừng bắn ở Syria: nhiệm vụ không dễ dàng  - ảnh 3
Hy vọng về một tương lai hòa bình cho Syria vẫn còn rất xa vời. (Ảnh: AFP)


Một vấn đề nữa cũng cần nhắc đến là hiện tại Nga và Mỹ vẫn bất đồng trong việc phân loại các nhóm khủng bố với phe đối lập được coi là “ôn hòa” tại Syria. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chỉ cho biết hai bên sẽ tiếp tục làm việc về vấn đề này thông qua một trung tâm đặc biệt được thành lập trong thời gian tới.


Ngoài ra thỏa thuận ngừng bắn mới cũng được cho là thiếu một cơ chế giám sát và thực thi. Điều này cũng giống như thỏa thuận tương tự đạt được vào tháng 2/2016 và cuối cùng không có hiệu lực. Theo giới phân tích, lệnh ngừng bắn lần này cần phải có một hệ thống giám sát toàn diện bởi nếu không, các nhóm khủng bố sẽ lợi dụng thời điểm đình chiến để củng cố lực lượng, chuyển giao vũ khí, phương tiện chiến đấu.

Chính vì những yếu tố trên mà Liên hợp quốc phản ứng thận trọng trước triển vọng tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn mới. Đặc phái viên LHQ về Syria, ông Staffan de Mistura cho biết văn phòng của ông sẽ theo dõi thỏa thuận ngừng bắn một cách cẩn thận, trước khi đưa ra bất kỳ bình luận nào.


Thỏa thuận ngừng bắn mà Nga và Mỹ vừa mới đạt được sẽ là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình hòa bình Syria sau 5 năm nội chiến nếu như nó được các bên tuân thủ nghiêm túc và có cơ chế giám sát thực thi. Hiện còn quá sớm để đưa ra dự đoán về triển vọng của thỏa thuận ngừng bắn, song dư luận hy vọng thỏa thuận sẽ được thực thi bởi sự tuân thủ của các bên tham gia, điều này cũng có nghĩa là người dân Syria sẽ được sống trong hòa bình.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu