Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển tốt đẹp, ổn định và bền vững

Nhóm PV/VOV
Chia sẻ
(VOV5) - Hai nước cũng phải tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư cũng như các lĩnh vực khác:  

Ngày 01/11, Tổng bí thư Ban chấp hành TW Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng kết thúc chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (30/10 – 01/11) theo lời mời của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Chuyến thăm góp phần phát huy tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trong thời đại mới.

Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển tốt đẹp, ổn định và bền vững - ảnh 1Hội đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: VOV

Chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự khẳng định chiến lược, xác định rõ vị trí và nền tảng của quan hệ song phương, củng cố sự tin tưởng lẫn nhau và điều chỉnh sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong giai đoạn tiếp theo.

Góp phần định hướng lâu dài cho quan hệ song phương

Chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kiện chính trị đối ngoại đặc biệt quan trọng đối với cả hai Đảng, hai nước. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đánh giá cao ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên Trung Quốc đón tiếp sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thăm Trung Quốc đầu tiên sau Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này thể hiện sự coi trọng cao độ của Việt Nam và Trung Quốc đối với quan hệ hai Đảng, hai nước.

Trong chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung gồm 13 điểm, bao gồm cả những nội dung mang tính chiến lược định hướng cho phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới; nhất trí tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam -Trung Quốc theo phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Hai bên cũng đạt được nhất trí trong nhiều nội dung hợp tác thực chất, như thúc đẩy kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, mở các văn phòng thương mại Việt Nam tại Trung Quốc. Hai bên sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư, kinh tế, thương mại, hợp tác trong lĩnh vực vận tải hàng không, đường bộ và đường sắt. Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc cũng thể hiện quyết tâm trong việc nỗ lực nhằm giảm bớt vấn đề mất cân bằng thương mại giữa hai nước. Chuyên gia kinh tế Lưu Thụy, giáo sư Đại học Nhân dân Bắc Kinh, cho rằng:Việt Nam hiện là quốc gia có tiềm năng thị trường lớn nhất ở Đông Nam Á. Việt Nam cũng là nền kinh tế phát triển nhanh trong số các nước đang phát triển. Trong bối cảnh đó, hai nước sẽ có nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế.

Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển tốt đẹp, ổn định và bền vững - ảnh 2Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến các văn kiện hợp tác giữa các ban, bộ, ngành, địa phương hai nước đã được ký kết tại Đại Lễ đường nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: VOV

Nhân dịp này, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và Trung Quốc đã ký 13 văn kiện và thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Đây là cơ sở và tiền đề để hai nước triển khai hợp tác một cách hiệu quả trong những năm tiếp theo.

Triển khai thành quả của chuyến thăm

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thành công tốt đẹp trên tất cả các phương diện. Để triển khai những nhận thức chung quan trọng đạt được của hai Tổng Bí thư và thành quả của chuyến thăm, theo Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trong thời gian tới hai bên sẽ tập trung duy trì thường xuyên hoạt động tiếp xúc cấp cao và các cấp để kịp thời trao đổi ý kiến về các vấn đề lớn trong quan hệ hai nước, định hướng và chỉ đạo từ tầm cao chiến lược nhằm duy trì quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh. Hai nước cũng phải tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư cũng như các lĩnh vực khác: Hai bên sẽ áp dụng các biện pháp thiết thực giảm bớt vấn đề mất cân bằng thương mại giữa hai nước, tạo thuận lợi về thông quan hàng hóa, thúc đẩy an toàn, ổn định chuỗi sản xuất và duy trì thông suốt chuỗi cung ứng giữa hai nước; thúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của hai nước, trong đó tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường Trung Quốc cho các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, hai bên sẽ đẩy mạnh kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, khoa học công nghệ, y tế, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; tích cực nghiên cứu hợp tác trên các lĩnh vực như phát triển xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế số; tiếp tục quản lý tốt biên giới trên đất liền, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Việt Nam và Trung Quốc cùng kiểm soát và xử lý thoả đáng bất đồng trên biển, duy trì môi trường hoà bình, ổn định ở Biển Đông và trong khu vực. Hai bên tuân thủ nghiêm nhận thức chung cấp cao; tôn trọng lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau, giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; tiếp tục sử dụng hiệu quả cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc và các Nhóm công tác về vấn đề trên biển; cùng với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, phấn đấu sớm đạt được COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

72 năm trước, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1950 - 2022). Trong chặng đường đó, hai nước đã dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu, góp phần vào thành công của sự nghiệp cách mạng ở mỗi nước. Với việc triển khai đầy đủ, toàn diện, hiệu quả các nhận thức chung cấp cao và kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của TổngBbí thư Nguyễn Phú Trọng, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu