Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV được rút ngắn thay vì kéo dài từ 30 đến 40 ngày như các kỳ họp trước đây.
Tập trung công tác lập pháp, xây dựng và hoàn thiện thể chế
Tại kỳ họp này, Quốc hội dành nhiều thời gian cho công tác lập pháp, xây dựng và hoàn thiện thể chế. Theo đó, Quốc hội xem xét, thông qua 6 dự án Luật, trong đó có: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện…; 3 dự thảo Nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, gồm: Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Quốc hội xem xét, cho ý kiến một số dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự. Đây đều là các dự án luật quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc kế dân sinh, góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng: "Theo tôi, tại kỳ họp này bàn về hoạt động lập pháp rất nhiều. Ấn tượng của tôi là sự chỉ đạo, định hướng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo Luật và các cơ quan thẩm tra của Quốc hội nhìn chung là chu đáo, có nhiều thông tin để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu. Từ đó có những phát biểu sâu sắc về các dự án luật chúng ta trong kỳ họp lần này. Các đại biểu có thảo luận ở tổ, thảo luận ở hội trường, có ý kiến cụ thể, sâu sát".
Đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc chiều 15/11. Ảnh: VOV.VN |
Giám sát, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước
Cũng tại kỳ họp, các đại biểu Quốc hội giám sát, cho ý kiến, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.
Các đại biểu khẳng định kinh tế Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 phục hồi tích cực, toàn diện. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự báo năm 2022 tăng khoảng 8%. Cả năm 2022 dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 là 6,5%; tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng: "Để thúc đẩy tăng trưởng, biện pháp quan trọng mà chúng ta thực hiện trong 3 tháng cuối năm nay và những tháng đầu năm sau là thúc đẩy giải ngân được các gói hỗ trợ mà Chính phủ, Quốc hội đã thông qua. Việc đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ này chính là biện pháp tiếp sức cho nền kinh tế, tiếp sức cho các doanh nghiệp".
Các đại biểu Quốc hội cũng đánh giá phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội. Ông Nguyễn Lâm Thành, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, cho biết: "Tôi thấy Quốc hội đã hoàn thành tốt khối lượng công việc. Từ kết quả kỳ họp này, tôi tin rằng những quyết sách, những quyết định của Quốc hội nhất là những giải pháp trong thời gian tới phát huy được hiệu quả trong thực tiễn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và điều quan trọng là đời sống của nhân dân được nâng lên".
Những kết quả đạt được tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV cho thấy Quốc hội ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn và sự kỳ vọng của cử tri. Những quyết sách mà Quốc hội đưa ra tại kỳ họp này không chỉ có ý nghĩa cho sự phát triển của đất nước trong năm 2022, mà cả cho giai đoạn 2021 - 2025, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế đất nước.