Thống nhất non sông để phát triển đất nước vững bền

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo, chuyển sang thực hiện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đại thắng mùa Xuân ngày 30/4/1975 cách đây vừa tròn 46 năm đã tạo ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập tự do, thống nhất và chủ nghĩa xã hội.

Kể từ đây, Việt Nam đã không ngừng phát triển, kiên định theo các mục tiêu đã chọn, phát triển vững bền và hội nhập mạnh mẽ vào dòng chảy cùng cộng đồng các dân tộc trên thế giới.

Thống nhất non sông để phát triển đất nước vững bền - ảnh 1Ảnh minh họa: nhandan.com.vn

Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo với chỉ số HDI năm 2019 là 0,63, xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước tức nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới. 

Ngay sau thắng lợi lịch sử ngày 30/4/1975, Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh khó khăn, cùng lúc phải chống lại hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Biển Đông, và phải đối phó với chính sách bao vây cấm vận hà khắc. Nhưng cả dân tộc đã vượt lên. Đặc biệt từ khi công cuộc đổi mới được khởi động năm 1986, đất nước Việt Nam đã phát triển không ngừng.

Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, quy mô nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo, chuyển sang thực hiện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Năm 2019, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia của Liên hợp quốc; có quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư với trên 224 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; Đến năm 2020, Việt Nam đã ký 15 Hiệp định FTA; có 16 đối tác chiến lược, 11 đối tác chiến lược toàn diện; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực và 71 nước đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường…

Thống nhất non sông để phát triển đất nước vững bền - ảnh 2Ảnh minh họa: nhandan.com.vn

Riêng ở lĩnh vực kinh tế, trong danh sách 200 công ty có doanh thu hơn 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Forbes Asia 2019 công bố danh sách, có 7 doanh nghiệp của Việt Nam. Cũng trong danh sách tỷ phú USD thế giới được Forbes vinh danh, đã có 5 tỷ phú USD đến từ Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã hướng tới đột phá trong sản xuất công nghiệp và công nghệ với những dự án đầy tham vọng với hy vọng vươn ra thị trường quốc tế. Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018; năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018. Năm 2020 cũng nghi nhận những mốc mới trong hội nhập quốc tế, với sự nâng cao một bước vị trí, uy tín và năng lực đảm nhận "trọng trách kép" trong năm 2020 khi đồng thời là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020-2021, Việt Nam đã và đang có những bước tiến lớn nhằm thúc đẩy vị thế là một nhà lãnh đạo khu vực.

Trong năm 2021,Việt Nam phấn đấu GDP tăng khoảng 6%. GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD. Giai đoạn 2021-2025, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều sâu, hoàn thiện mô hình tăng trưởng đồng bộ trên cả phương diện kinh tế - kỹ thuật, kinh tế - xã hội và kinh tế - sinh thái, thúc đẩy phát triển trên nền tảng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế. Định hướng tầm nhìn và khát vọng phát triển cho Việt Nam trong năm 2021 và trong giai đoạn 2021-2030 dựa trên nguyên tắc lấy thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, phản ánh quy luật phát triển ở Việt Nam và khai thác có hiệu quả những thành tựu phát triển của thế giới, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiến bộ của nhân loại về phát triển toàn diện con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, do con người và giải phóng con người,... phù hợp với triết lý phát triển của dân tộc Việt Nam và với bản chất nhân văn cao đẹp của chủ nghĩa xã hội.

 Thành tựu vững bền mà Việt Nam đạt được trên các lĩnh vực trong 46 năm qua kể từ khi nước nhà thống nhất tạo cơ sở và tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ,toàn diện hơn nữa trong giai đoạn mới. Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 đã thống nhất non sông và tinh thần của đại thắng mùa Xuân năm 1975 chính là nền tảng để nhân dân Việt Nam xây dựng một đất nước vững bền.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu