Những tháng đầu năm nay đã chứng kiến những hoạt động ngoại giao sôi động của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam. “Một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế và cùng thế giới chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu”, là thông điệp được các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn khẳng định trong các hoạt động đối ngoại quan trọng này. Điều này thể hiện vị thế mới của Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị thế giới đang có nhiều biến động.
Chuyến thăm chính thức nước CHDCND Lào tháng 4, chuyến thăm và dự lễ đăng quang của Nhà Vua Anh Charles Đệ Tam tháng 5 của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tháng 5/2023 và trước đó là chuyến tham dự hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tháng 4; chuyến thăm chính thức Cộng hòa Cuba, Cộng hòa Argentina, Cộng hòa Đông Urguoay của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tháng 4... là những dấu ấn đặc biệt của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế và khu vực trong năm nay. Thông qua những chuyến thăm quan trọng này, Việt Nam đã củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước, mở ra những xung lực và cơ hội mới để tranh thủ sự hỗ trợ và nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các trưởng đoàn tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima, Nhật Bản. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Thông điệp về việc Việt Nam cùng các nước xây dựng thế giới hòa bình
Trong các hoạt động ngoại giao nổi bật này, thông điệp về một Việt Nam đang cùng các nước xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, luôn được các nhà lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh. Với chuyến thăm chính thức nước CHDCND Lào tháng 4 vừa qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có gần 20 hoạt động phong phú, trong đó có hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào, khẳng định dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào với thông điệp “Việt Nam – CHDCND Lào: Sẽ tiếp tục sánh bước bên nhau phát triển giàu mạnh”.
Tiếp đó, với khoảng 40 hoạt động tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại thành phố Hiroshima (Nhật Bản), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiều thông điệp quan trọng của Việt Nam. Đó là: Thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu thực chất, hiệu quả hơn, đề cao đoàn kết quốc tế, kiên trì hợp tác đa phương; phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm cân bằng, hợp lý; hài hòa lợi ích giữa các quốc gia để “không ai bị bỏ lại phía sau”; sẵn sàng cùng Liên hiệp quốc và các quốc gia khác giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith - Ảnh: TTXVN |
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: "Về đa phương, ta đã đóng góp cách tiếp cận những giải pháp có ý nghĩa quan trọng từ góc độ của một nước đang phát triển và một nền kinh tế đang chuyển đổi, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng toàn diện. Những cách tiếp cận và đề xuất của Thủ tướng Chính phủ nêu ra tại Hội nghị được các nước và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, góp phần tạo ra cách tiếp cận cân bằng, tổng thể nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, nhất là trong vấn đề lương thực, y tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng bảo vệ môi trường."
Thông điệp về một Việt Nam đang cùng các nước xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, cũng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chuyển tải ở Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thông điệp đó cũng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ trong chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa Cuba, Cộng hòa Argentina, Cộng hòa Đông Urguoay ở phía bên kia bán cầu với hơn 80 hoạt động và gần 30 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết.
Nghi thức đón Toàn quyền David Hurley thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
- Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Minh chứng về một Việt Nam phát triển, hội nhập sâu rộng
Các hoạt động đối ngoại quan trọng khác của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, ở trong nước, thời gian qua, cũng thể hiện minh chứng về một Việt Nam đang phát triển và hội nhập sâu rộng toàn cầu.
Tháng 4 vừa qua, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đón tiếp và hội đàm với Toàn quyền Australia David Hurley nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Toàn quyền tới Việt Nam. Cũng tháng 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đón Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala và Đoàn đại biểu cấp cao Cộng hòa Séc thăm chính thức Việt Nam. Tiếp đó là các chuyến thăm Việt Nam của Đại Công quốc Luxembourg Xavier Bettel cùng Đoàn đại biểu cấp cao Luxembourg; chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken; chuyến thăm Việt Nam của ông Park Hark Kyu, Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Samsung và mới nhất là chuyến thăm Việt Nam của Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo - Iweala. Trong các sự kiện này, các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam luôn nhấn mạnh thông điệp về một Việt Nam không ngừng phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Điều này được các nhà ngoại giao đang sống và làm việc tại Việt Nam rất hoan nghênh.
Ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, nhận định: "Trước đây, ai cũng biết về Việt Nam qua chiến tranh, nhưng bây giờ mọi người cũng muốn tìm hiểu về Việt Nam qua sự phát triển về kinh tế xã hội và qua những khu du lịch tuyệt vời. Cho nên Việt Nam dần dần sẽ trở nên một lựa chọn rất quan trọng với nhiều người nước ngoài, và họ đi đâu trên hành tinh của chúng ta cũng đều mang theo hai chữ Việt Nam để giới thiệu và truyền bá cho bạn bè của họ."
Trong thế giới nhiều biến động như hiện nay, các hoạt động đối ngoại cấp cao của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, thời gian qua, đã truyền đi thông điệp về một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả và đang cùng các quốc gia xây dựng thế giới hòa bình.
Điều này đã đóng góp quan trọng vào việc xây dựng hình ảnh và nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích chính đáng của đất nước, góp phần triến khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam: “độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại”, vì hòa bình ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.