Thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban: gian nan đường đến hòa bình tại Apganixtan

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban mới chỉ là sự mở đầu cần thiết cho một chặng đường dài và đầy thách thức hướng đến hòa bình tại Afghianistan

Ngày 29/2 vừa qua, Mỹ và Taliban đã ký một thỏa thuận với mục tiêu đầy tham vọng là chấm cuộc bạo lực, thiết lập hòa bình dài lâu cho Afghanistan sau gần hai thập niên chiến sự. Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi đây là một thỏa thuận lịch sử, trong khi cộng đồng quốc tế cũng nhiệt liệt hoan nghênh và đặt nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, theo giới phân tích, con đường đến với một nền hòa bình thật sự cho quốc gia Nam Á vẫn còn rất nhiều chông gai và thách thức. 

Thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban: gian nan đường đến hòa bình tại Apganixtan - ảnh 1Binh lính Mỹ tại Afghanistan. - Ảnh: NYT

Nội dung quan trọng và đáng chú ý nhất trong bản thỏa thuận được ký kết tại thủ đô Doha của Qatar là việc rút các lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra khỏi Afghanistan theo lộ trình kéo dài trong 14 tháng, với điều kiện là Taliban phải tuân thủ các cam kết.

Với kế hoạch này, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, Washington đang tiến đến hồi kết cho cuộc chiến tranh dài nhất lịch sử của Mỹ (18 năm). Trong khi đó, thế giới cũng đã lập tức đưa ra những phản ứng tích cực. Ngay trong ngày 29/2, cả Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều nhà lãnh đạo thế giới, đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận, coi đây là tiến triển quan trọng nhằm tiến tới giải pháp chính trị lâu dài cho Afghanistan. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của giới quan sát và các nhà phân tích, thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban còn nhiều thách thức lớn phải vượt qua.

Lỗ hổng an ninh và nguy cơ Taliban bội ước

Một trong những lo lắng lớn nhất của giới phân tích là sự trỗi dậy của Taliban sau khi Mỹ và NATO rút quân. Trước hết, lộ trình rút khoảng một phần tư quân số Mỹ trong khoảng 3 tháng rưỡi (từ 12.000 quân xuống còn 8.600 quân trong vòng 135 ngày), có thể tạo ra khoảng trống lớn về mặt an ninh mà các lực lượng an ninh kém chất lượng của Afghanistan khó có thể lấp đầy được. Khi đó, lực lượng liên quân quốc tế còn lại tại Afghanistan cũng như chính quân đội Afghanistan, sẽ trở thành mục tiêu tấn công của Taliban hay các tay súng thánh chiến của Al-Qaeda cũng như tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban: gian nan đường đến hòa bình tại Apganixtan - ảnh 2Ảnh: - AFP 

Hiển nhiên, tình hình sẽ còn khó lường hơn khi Mỹ và NATO triệt thoái hoàn toàn khỏi quốc gia Nam Á. Cựu cố vấn tham mưu trưởng liên quân Mỹ Carter Malkasian cảnh báo tình hình có thể thay đổi nếu như Mỹ rút đi trước khi Taliban và Chính phủ Afghanistan đạt được một thỏa hiệp chính trị. Theo quan chức này, sau khi Mỹ rút quân, Taliban sẽ nhận thấy sự thay đổi trong cán cân lực lượng và không tuân thủ các cam kết. Trong khi đó, kịch bản Taliban và Chính phủ Afghanistan không thể sớm đạt được hòa giải chính trị là hoàn toàn có thể xảy ra. Với Chính phủ Afghanistan, việc bị gạt sang bên trong thỏa thuận Mỹ-Taliban, đồng thời mất đi nguồn lực tài trợ tài chính lớn từ Washington và cộng đồng quốc tế sau khi Mỹ rút quân, thực sự khó chấp nhận. Bằng chứng mới nhất về sự bất mãn của Kabul là họ đã bác bỏ ngay lập tức đề xuất thả 5.000 tù binh Taliban được thể hiện trong thỏa thuận vừa ký.

Thách thức giải giáp vũ khí và tái hòa nhập xã hội các tay súng Taliban

Một thách thức lớn khác mà Mỹ sẽ phải tính đến là làm thế nào để hàng chục nghìn tay súng Taliban tái hòa nhập xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng một thỏa thuận hòa bình lâu dài cho Afghanistan đòi hỏi phải hợp nhất các tay súng Taliban với các lực lượng vũ trang Afghanistan, song điều này không hề đơn giản. Trong báo cáo gần đây, Tổng thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan (SIGAR) John Sopko cũng nhấn mạnh rằng việc tái hòa nhập các tay súng là một quá trình phức tạp và mất nhiều thời gian. Chính phủ Mỹ sẽ cần hỗ trợ tài chính lớn cho chương trình này, nếu không khoảng 60.000 tay súng Taliban sẽ có nguy cơ quay lại với bạo lực.

Thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban: gian nan đường đến hòa bình tại Apganixtan - ảnh 3Mỹ - Taliban ký thỏa thuận hòa bình ngày 29-2. Ảnh:REUTERS 

Ngoài ra, còn phải kể đến một thực tế rẳng, Taliban là một tổ chức có tính thống nhất thấp, với bộ máy tổ chức và phân chia quyền lực không rõ ràng. Bởi vậy, không có gì đảm bảo rằng thỏa thuận vừa đạt được sẽ được tất cả giới trong Taliban tuân thủ hoàn toàn. Nói cách khác, nguy cơ vi phạm thỏa thuận ngoài chủ đích của lãnh đạo Taliban vẫn tồn tại, đe dọa trực tiếp sự đổ vỡ của thỏa thuận hòa bình vừa ký.

Với những căn cứ trên, giới phân tích cho rằng, thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban mới chỉ là sự mở đầu cần thiết cho một chặng đường dài và đầy thách thức hướng đến hòa bình tại Afghianistan. Hòa bình hay chiến sự sẽ đến với quốc gia Nam Á sau thỏa thuận được coi là lịch sử giữa Mỹ và Taliban ngày 29/2 vừa qua, vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu