Kế hoạch hòa bình Trung Đông mới của Mỹ khó khả thi

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Bản kế hoạch 80 trang với mấu chốt là phần chính trị gồm 50 trang, trong đó đề xuất giải pháp “hai nhà nước” cho cuộc xung đột dai dẳng nhiều thập niên qua giữa Israel và Palestine.

Ngày 28/1 vừa qua, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyhu, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump  công bố Kế hoạch hòa bình Trung Đông với nội dung chính là đề xuất giải pháp “hai nhà nước một cách thực tế” cho Israel và Palestine. Tổng thống Mỹ khẳng định đề xuất trên là “thỏa thuận thế kỷ”, là “cơ hội lịch sử” để Palestine thành lập được nhà nước độc lập. Tuy nhiên, trên thực tế, phản ứng của Palestine, thế giới A rập và cộng đồng quốc tế lại rất khác biệt.

Bản kế hoạch 80 trang với mấu chốt là phần chính trị gồm 50 trang, trong đó đề xuất giải pháp “hai nhà nước” cho cuộc xung đột dai dẳng nhiều thập niên qua giữa Israel và Palestine. Theo đó, Tổng thống Mỹ đề xuất thành lập Nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, có quyền kiểm soát vùng diện tích lãnh thổ lớn gấp đôi so với hiện nay và được xây dựng một đường hầm nối giữa khu Bờ Tây và Dải Gaza. Tuy nhiên, điều kiện kèm theo là Palestine phải phải công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Về phần Israel, Mỹ sẽ công nhận các khu định cư của Israel xây dựng tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine tại khu Bờ Tây, vốn đang bị coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.

Kế hoạch hòa bình Trung Đông mới của Mỹ khó khả thi - ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông cạnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 28/1. -Nguồn: AP

Kế hoạch “bình mới rượu cũ”

Theo giới phân tích, cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ đối với những vấn đề mấu chốt nhất của cuộc xung đột Trung Đông, bao gồm quy chế của Jerusalem, các khu định cư Do Thái hay các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng…, trên thực tế là hoàn toàn không có gì mới.

Kế hoạch hòa bình Trung Đông chính là sự tiếp nối của các bước đi trước đây mà Tổng thống Trump đã thực hiện như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel (tháng 12/2017), chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem (tháng 5/2018), công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền Israel (tháng 3/2019) và mới nhất là ủng hộ Israel trong việc xây dựng các khu định cư Do Thái ở các vùng đất chiếm đóng của Palestine ở Bờ Tây (18/11/2019). Những động thái trên đều đã bị đánh giá là thể hiện sự thiên vị của Mỹ dành cho Israel và lẽ đương nhiên đều vấp phải sự phản đối gay gắt của Palestine và nhiều nước trên thế giới, đồng thời bị coi là rào cản khiến tiến trình hòa bình Trung Đông lún sâu vào bế tắc.

Tại cuộc họp bất thường ở thành phố Jeddah của Saudi Arabia ngày 3/2, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) gồm 57 nước thành viên đại diện cho hơn 1,5 tỷ người Hồi giáo trên thế giới, đã ra tuyên bố phản đối kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Trump, đồng thời hối thúc các nước thành viên không hỗ trợ thực thi văn kiện này. Tuyên bố nêu rõ “phản đối kế hoạch của Mỹ và Israel bởi điều này không đáp ứng những nguyện vọng tối thiểu và các quyền lợi hợp pháp của người dân Palestine, cũng như đi ngược lại tiến trình hòa bình.

Trước đó, trong một tuyên bố chính thức ngày 1/2, Liên đoàn A rập (AL) bác bỏ kế hoạch hòa bình của Tổng thống Trump, cho rằng bản kế hoạch này “không công bằng” với người Palestine, không đáp ứng các quyền tối thiểu cũng như nguyện vọng của nguời dân Palestine. Từ nhiều năm qua, các nghị quyết của Hội nghị thượng đỉnh A rập luôn coi Đông Jerusalem là thủ đô của một nhà nước Palestine độc lập với đường biên giới được phân định như trước khi nổ ra cuộc chiến tranh năm 1967. Vì lẽ đó, các nhà lãnh đạo A rập khẳng định sẽ không hợp tác với chính quyền Mỹ để thực hiện kế hoạch này. Về phần mình, giới chức Palestine còn phản ứng dữ dội hơn, liên tiếp cáo buộc Mỹ đang phá hoại tiến trình hòa bình Trung Đông khi công bố bản kế hoạch “vô trách nhiệm” và “hoàn toàn thiếu khách quan”.

Thiếu tính khả thi và rủi ro tiềm ẩn

Dư luận quốc tế cho rằng, phản ứng này của người Palestine và thế giới A rập là hoàn toàn dễ hiểu và cho thấy sự thiếu khả thi của kế hoạch hòa bình Trung Đông. Trong một phát ngôn chính thức, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrel ngày 2/2 khẳng định Kế hoạch hòa bình Trung Đông mới của Tổng thống Mỹ sẽ không thể thành công, nếu không có sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan. Cùng với phản ứng của người Palestine và thế giới A rập, vốn là những bên liên quan trực tiếp trong tiến trình, có thể dễ dàng hiểu được việc châu Âu chưa thể tin tưởng vào tính khả thi của kế hoạch mà Tổng thống Mỹ vừa công bố.  

Hơn hết là, nhiều nhà phân tích thậm chí đã cho rằng, cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề khu định cư Do Thái đi ngược lại nguyên tắc về giải pháp hai nhà nước được quốc tế ủng hộ bấy lâu nay, thể hiện rõ nhất trong nghị quyết số 2334 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ngày 23/12/2016. Có nghĩa rằng, “thỏa thuận thế kỷ” của Mỹ cho cuộc xung đột Trung Đông đã đi chệch khỏi lộ trình hòa bình đang được cộng đồng quốc tế theo đuổi nhằm đưa Palestine và Israel quay trở lại bàn đàm phán. Bởi vậy, với một bản kế hoạch thiên lệch, không dựa trên sự cân bằng về lợi ích cho các bên, đương nhiên không thể tạo ra đột phá, thậm chí còn tiếp tục đẩy Trung Đông vốn đã rối ren và phức tạp, càng lún sâu hơn vào khủng hoảng, bế tắc. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu