Quốc hội Việt Nam, trong kỳ họp thứ 8, vừa thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Với Đề án tổng thể này, chính sách cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, ngày càng tạo sự bình đẳng phát triển giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người, cư trú ở 51 tỉnh, thành phố, trong đó có 382 xã biên giới, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung. Địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc ít người chiếm 3/4 diện tích cả nước, hầu hết là địa bàn khó khăn nhưng là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước.
Tăng cường công tác phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số - cơ sở quan trọng để thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc - Nguồn: bienephong.com |
Ưu tiên phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào các dân tộc ít người
Với tinh thần ưu tiên phát triển kinh tế xã hội ở khu vực đồng bào các dân tộc ít người, hệ thống chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển về kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam không ngừng được hoàn thiện. Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Việt Nam đã ban hành 41 văn bản ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 15 đề án và chính sách riêng về dân tộc. Tính đến nay, Việt Nam có 54 chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số ít người và vùng miền núi còn hiệu lực. Việc thực hiện các chính sách này đạt những kết quả quan trọng. Điển hình là kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng phát triển, 100% xã có đường ôtô đến trung tâm, 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện, hơn 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi giảm nhanh, trong giai đoạn 2016 đến 2018 giảm đến 3,5%/năm.
Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc nơi đào tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số. Ảnh: Minh Trường.- nguồn đại đoàn kết.vn |
Đánh giá về Chương trình tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Chính phủ, một trong số nhiều chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Việt Nam, ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, cho biết: "Sau 5 năm thực hiện chương trình, chúng ta đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Đã thu hút được nhiều dự án đầu tư phát triển, các dự án của các tổ chức phi chính phủ quốc tế vào vùng dân tộc. Các dự án này tập trung cho giảm nghèo, phát triển sản xuất, y tế, giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm. Nhìn chung các dự án đã mang lại những thay đổi rất nhiều cho vùng dân tộc. Chúng tôi thấy nhờ nguồn vốn của các tổ chức quốc tế cùng với đầu tư của Chính phủ và sự cố gắng của người dân, đồng bào dân tộc thiểu số thì vùng dân tộc của chúng ta đã đạt được những kết quả rất quan trọng.
Thêm sự bình đẳng giữa các dân tộc
Chưa dừng ở những kết quả đã có, Quốc hội Việt Nam, trong kỳ họp thứ 8, tiếp tục phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Những mục tiêu cụ thể, tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư ở nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; khơi dậy, phát huy tiềm năng, thế mạnh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển văn hóa – du lịch, gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa, tri thức của đồng bào các dân tộc... của Đề án, có ý nghĩa quan trọng về chính trị, xã hội.
Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu quý phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.- Ảnh: Đại đoàn kết |
Ông Triệu Thế Hùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, đánh giá: "Bên cạnh phát triển kinh tế, Đề án đã rất quan tâm đến vấn đề văn hóa và giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Chính vì thế tôi cho rằng Đề án có tính khả thi rất lớn khi triển khai, và sẽ phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không những về kinh tế mà còn về văn hóa xã hội. Nội dung cốt lõi của Đề án là đã thể chế được quyền con người, quan tâm đến quyền con người như tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và bên cạnh phát triển kinh tế, ở đây cũng đảm bảo an ninh quốc phòng của vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa."
Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn nhằm mục tiêu đến năm 2030, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi đặc biệt khó khăn của Việt Nam sẽ giảm 80% hộ nghèo so với năm 2020; trên 85% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cơ sở hạ tầng đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Đề án hướng tới thực hiện sự bình đẳng phát triển giữa các dân tộc của Việt Nam, cũng như đáp ứng tinh thần cơ bản của mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.