Hôm nay, buổi đối thoại đầu tiên giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân diễn ra tại tỉnh Hải Dương, với sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ, ngành và 600 đại biểu là nông dân cả nước. Buổi đối thoại diễn ra sau gần 20 hội nghị, diễn đàn về các vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp mà Thủ tướng tham dự trong năm 2017. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của nông nghiêp, nông thôn, nông dân đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam cũng như cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng trong việc tháo gỡ những khó khăn để nông nghiệp tiếp tục phát triển trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thăm mô hình sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu - Ảnh: Vũ Dũng/VOV |
Trong thời gian qua, để tạo đà cho nông nghiệp phát huy thế mạnh, Chính phủ đã có 1 loạt chính sách mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, cho nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi, tháo gỡ khó khăn về đất sản xuất.... Đây đều là những vấn đề lớn, quan trọng trong đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay. Tháo gỡ những vướng mắc này đang phần nào cải thiện bức tranh nông nghiệp Việt Nam.
Vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong nền kinh tế
Những năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam liên tục phát triển ổn định, thể hiện rõ nét ở con số tăng trưởng ấn tượng. Từ nông thôn tới đồng bằng, miền núi tới miền xuôi sản xuất nông nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều loại nông sản xuất khẩu có giá trị cao. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản đạt kỷ lục, hơn 36 tỷ USD; xuất siêu trên 8,5 tỷ USD và năm 2018 đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD. Đến nay, nông nghiệp nước ta đã đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định, đóng góp khoảng 20% GDP cho nền kinh tế và 23-35% giá trị xuất khẩu.
Hiện tại, Việt Nam đang đứng thức 18 trên thế giới về xuất khẩu nông sản. Không có nhiều nước có thể nuôi tôm, trồng cây cho năng suất cao như ở Việt Nam. Làm nên kỳ tích Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu về nông sản là công sức của 11 triệu hộ nông dân với 24 triệu lao động trực tiếp trong cả nước.
Việt Nam đang có thành quả nông nghiệp tốt nhưng như thế chưa đủ. Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển, phải tìm cách tháo gỡ mọi khó khăn để phát triển nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống người dân.
Ngày này tháng trước, tức ngày 9/3, Việt Nam cùng 10 nước đã đặt bút ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định CPTPP được đánh giá là cơ hội lớn cho nông nghiệp Việt Nam. Nhưng những thách thức của người nông dân, của nền nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều như tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; bị động trong sản xuất, thiếu gắn kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị.
Nhiều biện pháp tháo gỡ
Chính phủ luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn, từ đó, ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này. Năm ngoái, Thủ tướng yêu cầu các Ngân hàng dành một gói tín dụng 100.000 tỷ cho vay nông nghiệp công nghệ cao, đến nay giải ngân được hơn 30.000 tỷ. Ngân hàng cũng đã áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có cho vay nông nghiệp nông thôn (hiện nay là 7%/năm, thấp hơn từ 1% - 2% so với mặt bằng lãi suất chung); Ban hành Nghị định riêng về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đồng thời ban hành nhiều chính sách đặc thù đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực mà Việt Nam có lợi thế hoặc có kim ngạch xuất khẩu lớn, như các chính sách về tạm trữ lúa gạo, tái canh cà phê; cho vay khai thác hải sản xa bờ...
Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm để phù hợp với đặc điểm, chu kỳ sản xuất của từng loại cây trồng, vật nuôi và nhu cầu vốn ngày càng tăng.
Về đầu ra cho nông sản, để xuất khẩu nông sản bền vững, ổn định, hiệu quả và tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định, Chính phủ đã và đang nỗ lực, kiên trì để mở rộng thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, trong đó có nông thủy sản và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, Chính phủ, cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện chính sách, chỉnh sửa và bổ sung Nghị định 210 về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Để phát huy thế mạnh của thời đại cách mạng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp, tới đây, Chính phủ có chủ trương xây dựng Hệ trí thức Việt số hóa. Theo đó, tất cả các cách thức làm ăn hiệu quả sẽ được đưa lên và tất cả nông dân sẽ được kết nối với nhau thông qua hệ thống này. Đây sẽ là lối đi cho các hộ nông dân riêng lẻ. Hy vọng chính sách mới này sẽ tạo động lực giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Cùng với những giải pháp trên, các định hướng chính sách mới được Chính phủ đưa ra sau buổi đối thoại trực tiếp với người nông dân hôm nay sẽ là đòn bẩy quan trọng để phát triển tiềm năng ngành nông nghiệp Việt Nam, nâng cao đời sống người nông dân.