Việt Nam cam kết thúc đẩy hợp tác, kết nối kinh tế khu vực GMS

Huyền Vân
Chia sẻ
(VOV5) - GMS đang đứng trước những cơ hội mới để thúc đẩy hợp tác cùng cùng có lợi giữa các nước, đưa khu vực Mê Công trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á

Phiên đối thoại cấp cao Diễn đàn thượng đỉnh doanh nghiệp GMS diễn ra chiều 30/3 tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan; Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị; Phó Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Henry Van Thio; Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á ADB Takehiko Nakao, các đối tác của khu vực cùng 2.600 doanh nghiệp trong và ngoài khu vực GMS.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh GMS là khu vực rộng lớn với số dân 343 triệu người gồm 5 quốc gia và 2 tỉnh của Trung Quốc. Với những tiềm năng to lớn về tài nguyên, GMS đang đứng trước những cơ hội mới để thúc đẩy hợp tác cùng cùng có lợi giữa các nước, đưa khu vực Mê Công trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á:Trong bối cảnh kinh tế thế giới và môi trường phát triển đang có diễn biến sâu sắc, GMS cần có động lực mới,cạnh tranh mạnh mẽ hơn. GMS cần tiếp tục giữ được bản sắc riêng, một cơ chế hiệu quả nhằm cộng hưởng được sự quyết tâm và nỗ lực từ tất cả các bên để tạo nên nguồn lực mới, giải quyết các khác biệt, mở rộng không gian hợp tác kinh tế cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Nguồn lực mới cho phát triển trước hết phải đến từ việc phát huy tốt nội lực của chính mình. Mỗi nền kinh tế cần tạo dưng một môi trường kinh doanh thuận lợi, để giải phóng mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của doanh nghiệp và người dân. Đó chính là nguồn lực mới và chính là nền tảng cho sự hội nhập thành công của khu vực.

Việt Nam cam kết thúc đẩy hợp tác, kết nối kinh tế khu vực GMS - ảnh 1

Toàn cảnh Phiên đối thoại cấp cao Diễn đàn thượng đỉnh doanh nghiệp GMS .

Đức Anh/VOV5

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam hết sức coi trọng hợp tác GMS cũng như CLV, coi đây là lợi ích sống còn, tham gia chủ động và tích cực vào tất cả các khuôn khổ hợp tác Mê Công. Việt Nam đang tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ, trong đó tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp GMS nói riêng. Việt Nam ưu tiên xúc tiến đầu tư vào các tuyến giao thông huyết mạch, trọng điểm. Đồng thời, Việt Nam cam kết và trên thực tế đang thúc đẩy cụ thể hóa các sáng kiến như ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối hiệu quả, nhằm hỗ trợ thương mại, đầu tư, du lịch, nông nghiệp, kinh tế cửa khẩu và các hình thức hợp tác kinh tế xuyên biên giới khác, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bao trùm và bền vững.

Tại phiên đối thoại, các nhà lãnh đạo tập trung đối thoại, tìm giải pháp cho việc tìm kiếm những động lực tăng trưởng kinh tế mới ở khu vực, ít phụ thuộc vào lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên…, được coi là chìa khóa thành công của các nước GMS trong tương lai./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu