Thành tựu nhân quyền của Việt Nam là không thể phủ nhận

Thu Hoa VOV5
Chia sẻ
(VOV5) -Trong những năm qua,Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Trong thế giới hiện đại, nhân quyền trở thành giá trị chung của nhân loại, là một trong những vấn đề mang tính toàn cầu. Tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy thực hiện nhân quyền là trách nhiệm của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Thành tựu nhân quyền của Việt Nam là không thể phủ nhận - ảnh 1

Ảnh minh họa /TTXVN

Trong mọi giai đoạn lịch sử, Việt Nam luôn nhất quán mục tiêu, chính sách tất cả vì con người, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người, đồng thời coi trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết giữa các quốc gia.

Nền tảng pháp lý đầy đủ về nhân quyền

Bản Hiến pháp năm 2013 là minh chứng mới nhất về việc Việt Nam khẳng định sự nhất quán về nội dung quyền con người, quyền công dân trong các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992. Điều đáng nói là bản Hiến pháp này bổ sung nhận thức mới đầy đủ, sâu sắc hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với tình hình mới của đất nước và bối cảnh quốc tế hiện nay.

Cùng với việc nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, Việt Nam cũng tăng cường hợp tác quốc tế để bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. Đến nay Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người như: Công ước về Quyền Dân sự, Chính trị; Công ước về quyền Kinh tế, Văn hóa, Xã hội; Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về Quyền Trẻ em; Công ước về ngăn ngừa và trừng phạt các tội ác Apartheid; Công ước về không áp dụng những hạn chế luật pháp đối với tội phạm chiến tranh và tội chống nhân loại…

Việt Nam cũng đã gia nhập Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về ngăn chặn, trấn áp và trừng phạt tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Công ước số 122 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Chính sách việc làm.

 Việt Nam cũng đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc thành lập và hoạt động của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), xây dựng Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tại thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia (11-2012). Việt Nam cũng chú trọng tăng cường cơ chế đối thoại và hợp tác về vấn đề quyền con người hằng năm với nhiều nước, trong đó có Mỹ, EU, Astralia, Na Uy, Thụy Sĩ.

Thành tựu nhân quyền không thể phủ nhận

Những thành tựu về bảo đảm và cải thiện các quyền cơ bản của người dân Việt Nam được thể hiện rất rõ trong việc thực hiện các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Đặc biệt, Nhà nước Việt Nam chủ trương mở rộng dân chủ, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; nhân dân là người quyết định mọi công việc của Nhà nước. Quyền tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội là một trong những nhóm quyền quan trọng nhất của công dân Việt Nam.

Sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung và các phương tiện thông tin đại chúng là minh chứng về tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin ở Việt Nam. Sự tăng nhanh của các tổ chức, hiệp hội, câu lạc bộ, chứng tỏ quyền tự do hội họp và lập hội của người dân được tôn trọng và bảo đảm. Số chức sắc, nhà tu hành và những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp không ngừng tăng qua từng năm nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tâm linh của nhân dân. Các tôn giáo có quyền và được Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện mở trường, cơ sở đào tạo chức sắc, xuất bản kinh sách, tham gia các hoạt động xã hội...

Nhà nước Việt Nam còn đặc biệt coi trọng chính sách dân tộc, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc, coi đó là một trong những nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Tăng trưởng kinh tế đã tạo ra những tiền đề quan trọng để Việt Nam giải quyết những vấn đề bức thiết về xã hội, thực hiện tốt hơn các mục tiêu công bằng xã hội, bảo đảm tốt hơn những giá trị quyền con người, quyền công dân. 

Hiện Việt Nam đã hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ như: Xóa đói, giảm nghèo cùng cực; đạt phổ cập giáo dục tiểu học; thúc đẩy bình đẳng giới và đạt nhiều tiến bộ trong các chỉ tiêu về y tế như giảm tỷ số tử vong mẹ và tỷ suất tử vong trẻ em; đạt mục tiêu về kiểm soát sốt rét và bệnh lao cũng như đẩy lùi tỷ lệ lây lan HIV/AIDS… 

Mặc dù trong thế giới đương đại còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề nhân quyền song những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong công cuộc Đổi mới là bằng chứng không thể phủ nhận về nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm thực thi quyền con người.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu