Quyền tự do kinh doanh- bước tiến mới của quyền con người

Minh Châm
Chia sẻ
(VOV5) -Trong quyền con người, quyền tự do kinh doanh có những bước tiến mới, cởi mở hơn, đồng thời được cụ thể hóa thông qua các đạo luật. 

Thưa quý vị và các bạn! 72 năm đã trôi qua kể từ khi quyền con người được đề cập trong bản Tuyên ngôn Độc lập được công bố ở Quảng trường Ba Đình trong ngày Quốc khánh 2/9/1945, tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền con người vẫn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, được kế thừa, phát triển trong nhiều bản Hiến pháp của Việt Nam sau này. Trong quyền con người, quyền tự do kinh doanh có những bước tiến mới, cởi mở hơn, đồng thời được cụ thể hóa thông qua các đạo luật.

 Khái niệm về quyền con người ở Việt Nam lần đầu tiên được đề cập một cách chính thức và cụ thể nhất trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ngày 2/9/1945. Sau đó, quyền con người tiếp tục được khẳng định và mở rộng trong các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992, Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2001 và Hiến pháp 2013.

Quyền con người được cụ thể hóa thành quyền tự do kinh doanh

Quyền con người đã được cụ thể hóa thành các quyền, trong đó lần đầu tiên quyền tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992. Mặc dù còn hạn chế ở phạm vi quyền tự do kinh doanh khi các chủ thể chỉ được tự do kinh doanh ở những lĩnh vực mà pháp luật cho phép, nhưng so với các quan điểm quản lý kinh tế thời kì trước đó, đây được xem là bước tiến đặc biệt quan trọng trong việc ghi nhận quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 thừa nhận quyền tự do kinh doanh là một trong những quyền cơ bản của con người. Tiến sỹ Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý- Bộ Tư pháp, phân tích:

"Khi đã coi tự do kinh doanh là quyền con người cơ bản nghĩa là quyền con người trong đó có quyền tự do kinh doanh được Nhà nước không những công nhận, tôn trọng mà phải bảo vệ, bảo đảm. Tức là ở đây việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền tự do kinh doanh trước hết thuộc trách nhiệm của Nhà nước. Còn người dân đương nhiên được hưởng quyền tự do kinh doanh đó".

Từ quy định trong Hiến pháp 2013, quyền tự do kinh doanh đã được hiện thực hóa trong hệ thống pháp luật về kinh doanh, nhất là ở các văn bản luật gốc, có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014 và sửa đổi, bổ sung năm 2016. Theo đó, quyền tự do kinh doanh đã được tiếp cận theo hướng đơn giản hóa điều kiện, thủ tục cấp phép, bãi bỏ nhiều quy định về điều kiện kinh doanh, đồng thời mở rộng các nhóm quyền tự quyết của doanh nghiệp. Lần đầu tiên, Danh mục đầy đủ các ngành, nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện được tập hợp, liệt kê cụ thể trong một văn bản Luật. Đây được xem là bước đột phá về tính minh bạch trong chính sách và được kỳ vọng sẽ khắc phục việc ban hành các điều kiện kinh doanh một cách thiếu kiểm soát, bất hợp lý như trước đây. Hay các quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 đã thể hiện rõ tinh thần bảo hộ tốt hơn với quyền sở hữu của người dân, quyền tự do hợp đồng.... Mới đây nhất, Bộ Luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã bỏ tội kinh doanh trái phép, cho thấy bước tiến lớn trong việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh của công dân.

Quyền tự do kinh doanh- bước tiến mới của quyền con người - ảnh 1Ảnh minh họa (Thời báo Kinh tế) 

Thúc đẩy quyền tự do kinh doanh hơn nữa.

Trên thực tế, quyền tự do kinh doanh vẫn gặp không ít rào cản bởi các điều kiện kinh doanh quy định trong các văn bản dưới luật, các giấy phép con. Trong xu hướng hội nhập và phát triển kinh tế, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy quyền tự do kinh doanh.Trong phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị bãi bỏ gần 2 nghìn điều kiện kinh doanh không phù hợp, nhằm thực hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây cũng được xem là một trong những động thái rõ rệt thể hiện hành động của Chính phủ nhằm kịp thời tháo gỡ mọi rào cản, thúc đẩy quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh việc cần có cơ quan độc lập rà soát và phối hợp với các bộ, ngành rà soát cắt bỏ những quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết:

"Có nghĩa là các bộ ngành cũng tự chịu trách nhiệm rà soát nhưng có một cơ quan phản biện độc lập, họ cũng đồng thời tiến hành rà soát và đối chứng với nhau, sau đó thông qua một Hội đồng chuyên môn, 1 tổ công tác, 1 nhóm công tác giống như cơ quan trọng tải. Khi đó người ta mới quyết định kết quả cải cách về điều kiện kinh doanh, khi đó mới thực hiện được, mới thúc đẩy được cải cách và cải cách mới có tác động. Kết quả rà soát phải được trình trực tiếp lên Chính phủ hoặc quốc hội là những cơ quan cuối cùng ra quyết định"

Với việc ban hành các văn bản Luật nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, trong đó có quyền tự do kinh doanh của công dân đã cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo đảm các quyền của công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Để mọi người dân được tự do kinh doanh, được tạo điều kiện thuận lợi trong việc thành lập và vận hành doanh nghiệp, Chính phủ và các bộ ngành đã và đang nỗ lực hơn nữa để rà soát và hủy bỏ những điều kiện kinh doanh bất hợp lý để tạo lập một môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội đất nước và nâng cao hơn nữa quyền con người ở Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu