Việt Nam đảm bảo các quyền dân sự, chính trị của công dân

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam đã và đang tập trung triển khai thực hiện nhiều công việc nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. 

Đó là khẳng định của các đại biểu tại Hội thảo tham vấn ý kiến về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 17/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

Việt Nam đảm bảo các quyền dân sự, chính trị của công dân - ảnh 1 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại Hội thảo

Đường lối nhất quán của Việt Nam là luôn đặt con người ở vị trí trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội; coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển của xã hội. Việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người được xem là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Đồng bộ hệ thống luật pháp về quyền con người

Kể từ khi tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1982, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện cải cách đồng bộ và mạnh mẽ các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp để nội luật hoá các quy định của Công ước, bảo đảm và phát huy quyền con người. Nhiều đạo luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, bảo vệ tốt hơn các quyền dân sự, chính trị của người dân. Điểm nổi bật là Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên xác lập nguyên tắc trách nhiệm của Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền không phân biệt đối xử, bình đẳng trước pháp luật. Sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, nhiều đạo luật như Luật Tố tụng hình sự, Luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Hộ tịch… đều được sửa đổi theo xu thế ngày càng trao nhiều quyền dân sự, chính trị cho công dân và bảo đảm các điều kiện để công dân thực hiện quyền của mình một cách thuận tiện nhất.

Không ngừng gia nhập các chuẩn mực quốc tế

Cùng với Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, Việt Nam còn là thành viên của 6/9 công ước quốc tế chủ chốt khác về quyền con người. Đó là Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về Quyền Trẻ em; Công ước về Quyền của Người khuyết tật; Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người... Bên cạnh đó, Việt Nam còn tham gia nhiều điều ước quốc tế khác có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền con người và luật nhân đạo quốc tế, trong đó có công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) liên quan đến việc đảm bảo quyền của người lao động. Tham gia công ước của ILO thể hiện mức độ cam kết rất cao về nhân quyền của Việt Nam trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Song song với việc tham gia và nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam còn tích cực thực hiện các cam kết quốc tế khác về quyền con người, nổi bật là triển khai cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc. Thái độ tích cực, nghiêm túc trong việc thực hiện cơ chế UPR của Việt Nam thể hiện trước hết ở quá trình xây dựng báo cáo quốc gia một cách kỹ lưỡng, chi tiết với sự tham vấn rộng rãi của tất cả các bộ, ngành, các tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội và cả các cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Điểm quan trọng là Việt Nam hết sức nghiêm túc trong thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam chấp nhận. Các bộ, ngành đều có các kế hoạch triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR theo Kế hoạch tổng thể về việc thực hiện 182 khuyến nghị trong cơ chế UPR do Chính phủ Việt Nam ban hành.

Hướng tới việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người

Với chủ trương nhất quán không ngừng nỗ lực bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người, đồng thời chủ động thúc đẩy hợp tác quốc tế về quyền con người, Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai các cam kết quốc tế và nghĩa vụ quy định tại điều ước quốc tế về quyền con người, nhất là việc thực hiện các khuyến nghị UPR. Đồng thời, Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu khả năng gia nhập thêm một số điều ước quốc tế trong lĩnh vực quyền con người. Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò và đóng góp tại các diễn đàn đa phương về quyền con người, đặc biệt là tại các cơ quan Liên hợp quốc mà Việt Nam đang là thành viên như Hội đồng Kinh tế-Xã hội (2016-2018), Hội đồng chấp hành UNESCO (2015-2019), cũng như trong khuôn khổ các cơ chế của ASEAN, nhằm tiến tới một cộng đồng ASEAN hướng về con người và lấy con người làm trung tâm.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu