Thành quả quan trọng từ việc triển khai thực hiện những chủ trương đúng

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Những nhận định này cũng đồng nhất với đánh giá của đại biểu Quốc hội khi nhìn nhận về kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) vừa nâng hệ số tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng ‘Ổn định’. Theo đó, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, vượt qua các khó khăn, thách thức do đại dịch trong 2 năm qua, góp phần củng cố vị thế đối ngoại và kiềm chế thâm hụt ngân sách. Những nhận định này cũng đồng nhất với đánh giá của đại biểu Quốc hội khi nhìn nhận về kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022.

Sau mỗi con số là sự nỗ lực không ngừng

Hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam dựa trên cơ sở ghi nhận nền kinh tế đang trên đà phục hồi vững chắc trong bối cảnh Chính phủ gỡ bỏ các hạn chế di chuyển trong nước và xuyên biên giới, tỉ lệ tiêm chủng được cải thiện ấn tượng và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát COVID-19. Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu ghi nhận việc triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc đã đưa Việt Nam trở thành một trong sáu quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Nhờ đó, số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3/2022. Việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát đã củng cố niềm tin, sự an toàn của người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.

Thành quả quan trọng từ việc triển khai thực hiện những chủ trương đúng  - ảnh 1

Việc triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc đã đưa Việt Nam trở thành một trong sáu quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Ảnh minh họa: TTXVN

Ổn định kinh tế vĩ mô cùng với các lợi thế cạnh tranh về lao động là động lực tăng cường sức hấp dẫn ở khu vực chế biến, chế tạo đối với các doanh nghiệp toàn cầu, tạo động lực tăng trưởng xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu dùng. Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, đánh giá: Kinh tế đang trên đà phục hồi nếu như nhìn vào các kết quả xuất nhập khẩu, thành lập mới doanh nghiệp, du lịch, giao thương hàng hóa... Ở chừng mục nào đó kết quả này cho thấy dấu hiệu phục hồi rất tích cực so với quý 3 và quý 4 năm 2021. Có thể nói đây là bức tranh màu sáng của nền kinh tế.

Trong lĩnh vực tài khóa, nền tài chính công của Việt Nam vẫn duy trì trạng thái ổn định, kể cả trong bối cảnh tình hình thu, chi của ngân sách gặp áp lực nhất định trước tác động của đại dịch. Ông Lê Hoàng Anh, đại biểu Quốc hội tỉnh  Gia Lai, nhận xét:Đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đang kiểm soát rất tốt lạm phát. Chính phủ phải theo dõi sát sao chính sách tài khóa và tiền tệ để điều hành linh hoạt và hiệu quả, kiểm soát mức lạm phát theo mức Quốc hội cho phép.

Thành quả quan trọng từ việc triển khai thực hiện những chủ trương đúng  - ảnh 2

Phó thủ tướng Lê Văn Thành. Ảnh: TTXVN

Theo đại biểu Phan Văn Mãi, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, kết quả phục hồi kinh tế là tổng hợp của những nỗ lực không biết mệt mỏi trong thời gian qua. Riêng TP.HCM đã kiểm soát dịch tốt, phục hồi mạnh mẽ và khá đồng bộ. Những con số tăng trưởng nhìn đơn giản nhưng là cả một nỗ lực, thể hiện niềm tin, dư địa và giải pháp, chính sách đúng hướng.

Điểm tựa cho quá trình phục hồi

Kinh tế Việt Nam đang tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Tuy nhiên mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm nay là một thách thức lớn. Và điểm tựa cho quá trình phục hồi kinh tế chính là việc thực thi có hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết: Chính phủ sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục và giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia và sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về Danh mục dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Trước những yếu tố khó lường của kinh tế thế giới, theo đại biểu Phan Đức Hiếu, Việt Nam phải điều hành kinh tế linh hoạt, bám sát diễn biến kinh tế thế giới để có giải pháp phù hợp. Do vậy, bên cạnh sự chủ động của Quốc hội, sự linh hoạt điều hành của Chính phủ, đại biểu đề nghị, các bộ, ngành cần có thêm biện pháp bổ sung để ứng phó kịp thời, hiệu quả với những diễn biến rất khó dự báo hiện nay.

Về mặt xã hội, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu phát triển, và cần tiếp tục phát huy để góp phần tăng cường mối liên kết bền chặt giữa Chính phủ và nhân dân.

Năm 2022 mặc dù Việt Nam tập trung vào phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội nhưng vẫn lấy ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là nhiệm vụ hàng đầu. Đó là chủ trương hoàn toàn chính xác. Những thành quả từ chủ trương này góp phần quan trọng để các tỏ chức quốc tế uy tín nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu