Tháng lễ Ramadan không còn ý nghĩa

Chia sẻ
(VOV5)- Tháng ăn chay Ramadan – tháng lễ kéo dài và quan trọng nhất của hơn 1,2 tỷ người Hồi giáo vừa kết thúc trên toàn thế giới. Trái ngược với nguyên tắc của nghi lễ là trong khoảng thời gian này, mọi người cùng nhau cầu nguyện và hướng tới điều thiện thì tại nhiều quốc gia, xung đột đẫm máu và bạo lực leo thang đã phủ bóng đen lên nghi lễ linh thiêng này và không mang lại cho người Hồi giáo một ý nghĩa trọn vẹn.

(VOV5)- Tháng ăn chay Ramadan – tháng lễ kéo dài và quan trọng nhất của hơn 1,2 tỷ người Hồi giáo vừa kết thúc trên toàn thế giới. Trái ngược với nguyên tắc của nghi lễ là trong khoảng thời gian này, mọi người cùng nhau cầu nguyện và hướng tới điều thiện thì tại nhiều quốc gia, xung đột đẫm máu và bạo lực leo thang đã phủ bóng đen lên nghi lễ linh thiêng này và không mang lại cho người Hồi giáo một ý nghĩa trọn vẹn.

Tháng lễ Ramadan không còn ý nghĩa - ảnh 1


Ramadan theo tiếng Ả Rập là tên gọi tháng thứ 9 của lịch Hồi giáo. Tháng Ramadan theo dương lịch thay đổi từng năm, không có ngày thống nhất. Nhiều người gọi Ramadan một cách đơn giản là “tháng nhịn ăn” hoặc “tháng ăn chay”. Trong suốt một tháng lễ này, tất cả các tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc, áp dụng từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Hành động này có ý nghĩa bày tỏ sự thông cảm với những người nghèo đói, những đồng đạo còn chưa đủ ăn, đủ mặc, đồng thời luyện cho con người một sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất, để tạo thuận lợi cho việc sau này lên thiên đàng. Tuy nhiên, lễ Ramadan năm nay, xung đột và bạo lực ngày càng gia tăng ở các quốc gia có đông người theo đạo Hồi như Syria, Iraq, Lebanon, Afghanistan… đã và đang đe dọa an ninh khu vực và gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân.

Tháng lễ Ramadan không còn ý nghĩa - ảnh 2

Bữa ăn đầu tiên trong tháng Ramadan ở Abu dhabi, UAE (ảnh: Tân Hoa xã)


Ramadan năm nay là lễ thánh thứ 2 kể từ khi phong trào “Mùa xuân Ả rập" bùng nổ ở khu vực Trung Đông. Tại Iraq, theo số liệu của cơ quan an ninh và y tế Iraq, trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, đã diễn ra hàng loạt vụ bạo lực ở nước này làm hơn 400 người thiệt mạng và gần 1.000 người bị thương. Số liệu cho thấy, trong thời gian lễ hội, có 2 ngày xảy ra bạo lực đẫm máu nhất là ngày 23/7 khiến 113 người chết và ngày 16/8 có hơn 80 người chết và hàng trăm người bị thương và trớ trêu, đây lại là khoảng thời gian đẫm máu nhất trong 2 năm qua ở quốc gia này. Các vụ bạo lực trong tháng Ramadan chủ yếu do các phần tử khủng bố cực đoan có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda gây ra.

Tháng lễ Ramadan không còn ý nghĩa - ảnh 3


Tại quốc gia láng giềng Syria, cuộc xung đột kéo dài gần 17 tháng qua đang tiến đến những nấc thang nguy hiểm mới, khi giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ và phe chống đối xảy ra trên hầu khắp đất nước. Bất chấp tháng linh thiêng, chiến sự diễn ra ác liệt trên toàn lãnh thổ Syria. Riêng trong ngày lễ Eid al- Fitr 19/8 (ngày lễ cầu nguyện quan trọng), ít nhất đã có gần 60 người đã thiệt mạng, đưa tổng số người thiệt mạng kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra lên 23 nghìn người. Dòng người tị nạn Syria hối hả chạy sang các nước láng giềng gia tăng nhanh chóng và tính đến nay đã có tổng cộng 70 nghìn người Syria rời bỏ nhà cửa sang lánh nạn tại các quốc gia láng giềng. Hiện tại, mọi nỗ lực cứu vãn cho hòa bình tại Syria đã bế tắc hoàn toàn. 2 ngày qua, những chiếc xe chở những thành viên cuối cùng của Phái bộ quan sát viên Liên hiệp quốc ở Syria cũng đã rời Damacus, chấm dứt sứ mệnh tại quốc gia Trung Đông này sau 4 tháng hoạt động mà không đem lại kết quả đáng kể nào.

Cuộc khủng hoảng tại Syria do cộng đồng Sunni châm ngòi chống lại Tổng thống Bashar Al Assad, một tín đồ dòng Alawite, cũng lan sang Lebanon, làm gia tăng mâu thuẫn giữa hai cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni và Alawite tại Lebanon. Bạo lực bùng nổ trong ngày thứ 6 cuối cùng của tháng lễ Ramadan giữa 2 cộng đồng này đã làm ít nhất 15 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Tình hình bất ổn tại Lebanon buộc nhiều quốc gia vùng Vịnh yêu cầu công dân các nước này rời khỏi Lebanon ngay lập tức.

Tháng lễ Ramadan không còn ý nghĩa - ảnh 4

Cảnh sát bắn pháo để báo hiệu kết thúc ngày đầu tiên của tháng Ramadan tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất.

Trong khi đó, thông tin về một cuộc tấn công quân sự của Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran trong khoảng thời gian mùa thu năm nay tiết lộ cũng làm hỏng ý nghĩa bình yên của tháng lễ Ramadan.  Ngày 17/8, ngày Jerusalem, vốn được kỷ niệm hàng năm vào thứ 6 cuối cùng của  tháng Ramadan, gần 1.500 người Palestine đã tham gia tuần hành trên các con phố ở dải Gaza, vùng lãnh thổ Palestine, để phản đối việc Israel chiếm giữ Jerusalem, một trong 3 thành phố thánh của người Hồi giáo. Đây là hoạt động hàng năm do Chính phủ Iran khởi xướng chủ yếu dành cho cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite. Tuy nhiên, năm nay hoạt động này mang sắc thái khác. Nó diễn ra trong bối cảnh có nhiều ý kiến lo ngại về nguy cơ một cuộc chiến tranh tại Trung Đông đang gần kề khi mà lãnh đạo các nước trong khu vực liên tục có những động thái hay phát biểu gây căng thẳng. Ngay sau khi Thủ tướng Israel Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Barak công khai phát biểu về khả năng phát động một cuộc tấn công quân sự chống Iran, Thủ lĩnh phong trào Hezbollah ở Lebanon Nasrala đã lên tiếng cảnh báo, nếu bị tấn công, lực lượng này sẽ biến Israel thành "địa ngục sống", thậm chí còn tuyên bố nếu cần thiết sẽ sử dụng tên lửa “để bảo vệ nhân dân và tổ quốc”. Về phần mình, Tổng thống Iran Mamoud Ahmadinejat cũng có tuyên bố mạnh mẽ cho rằng, không có chỗ cho Israel trong một Trung Đông mới.

Rõ ràng là với người Hồi giáo, tháng lễ Ramadan năm nay đã không còn ý nghĩa. Thay vì hướng đến điều thiện, cầu nguyện về những điều tốt đẹp cho tương lai, Ramadan đã chìm trong bạo lực, khói súng và chết chóc và nạn nhân là những người dân thường vô tội. Xung đột đẫm máu và bạo lực leo thang đã và đang tạo ra bức tranh u ám cho an ninh thế giới và không biết đến bao giờ, người Hồi giáo mới thực sự được đón lễ linh thiêng Ramadan của mình trong bình yên./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu