Tập trung ý chí, nguồn lực cho phát triển bền vững

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Theo Thủ tướng, con người là trung tâm của phát triển bền vững, đồng thời, xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Hội nghị thường niên về phát triển bền vững, một trong những hội nghị quan trọng nhất của Chính phủ trong năm nay, do Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh tổ chức, diễn ra trong ngày 12/9 tại Hà Nội.

Tập trung ý chí, nguồn lực cho phát triển bền vững - ảnh 1

Ảnh minh họa: VOV

Tại đây, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định mạnh mẽ rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung cả ý chí, chính sách và nguồn lực cho mục tiêu phát triển bền vững  hơn trong thập niên tới.

Phát triển bền vững giữa kinh tế - xã hội và môi trường vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của Việt Nam. Vì thế, cùng với các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã ban hành rất sớm Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về sự phát triển bền vững. Trong đó, 115 mục tiêu cụ thể đã được đặt ra cho Việt Nam từ nay đến năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường.

Nhất quán chủ trương phát triển bền vững

Trong hơn 30 năm đổi mới, đặc biệt là hơn 10 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất ấn tượng về phát triển bền vững. Trước đổi mới, tỷ lệ nghèo của Việt Nam là trên 60% nhưng hiện nay tỷ lệ này chỉ là trên 5%. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2017 là 0,694,  thuộc nhóm trung bình cao trong tổng số 189 quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã và đang tích cực tham gia có hiệu quả vào các sáng kiến bảo vệ môi trường toàn cầu. Theo báo cáo đánh giá thường niên lần thứ tư về tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2019, Việt Nam xếp thứ 54, tăng 3 bậc so với năm 2018 và chỉ số phát triển bền vững đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của Việt Nam. Cho nên, chủ trương phát triển bền vững được thể hiện nhất quán trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Phát triển bền vững cũng là vấn đề quan trọng được đặt ra khi xây dựng Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 này: “Lần này chúng tôi làm Văn kiện cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 thì hơn bao giờ hết, chúng tôi đặt mục tiêu là phát triển bền vững cho Việt Nam. Phát triển nhanh, bền vững, tốc độ cao nhưng phải bền vững. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị của toàn đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị và mọi thành phần trong xã hội”.

Tập trung cả ý chí, chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung cả ý chí, chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững, nhằm thực hiện mục tiêu duy nhất là đưa con người vào trọng tâm của quá trình phát triển. Theo Thủ tướng, con người là trung tâm của phát triển bền vững, đồng thời, xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh là nguyên tắc nhất quán trong mọi giai đoạn phát triển của Việt Nam.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng hiện đang có quá nhiều các bản chiến lược phát triển cho các mục tiêu khác nhau trong cùng một thời kỳ, vì thế, việc thực hiện rất kém hiệu quả, không thể tập trung các nguồn lực. Do đó, để phát triển bền vững hơn, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho 10 năm tới, Việt Nam sẽ có kế hoạch và trách nhiệm vụ thể về phát triển bền vững đi cùng với tăng tốc quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đổi mới công nghệ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, giảm nghèo bền vững và kinh tế tuần hoàn mà hiện nay nhiều địa phương các cộng đồng doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai sẽ được thực hiện đồng bộ: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng toàn cầu hóa và các xu hướng công nghệ cùng các mô hình kinh doanh có tính đột phá làm thay đổi căn bản nhiều tư duy và phương pháp tiếp cận kinh doanh, giúp cho nhiều hoạt động kinh tế, dân sự trở nên tối ưu và bền vững hơn. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa cội nguồn, bản sắc dân tộc vẫn sẽ trường tồn, làm nên sự khác biệt, làm giá đỡ cho sự thịnh vượng kinh tế lâu dài và là bệ phóng cho những tiến bộ của chúng ta trong thế kỷ 21 và xa hơn”.

Thủ tướng cho biết sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển bền vững trong tháng 10 tới. Chính phủ cũng sẽ nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế sớm đưa Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trở thành hiện thực. Thủ tướng giao các bộ nghiên cứu để có đánh thuế cao đối với các hành động sản xuất và tiêu dùng có hại cho phát triển bền vững xã hội cũng như có chính sách khuyến khích áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh để trình Thủ tướng trong Quý II/2020.

Thủ tướng đề nghị các bộ đề xuất các cơ chế chính sách để giảm chênh lệch trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là giảm suy dinh dưỡng kéo dài trong cộng đồng dân tộc ít người, đồng thời yêu cầu các địa phương, nhất là 30 tỉnh thành chưa ban hành kế hoạch thực hiện phát triển bền vững, phải đặc biệt quan tâm tới việc thực hiện các mục tiêu xã hội, nhất là giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu