Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019 - Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
|
Chiều 12/09, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”. Hội nghị do Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Thế giới tổ chức.
Tại các phiên hội thảo chuyên đề diễn ra trước phiên toàn thể, Hội nghị thảo luận về nhiều chủ đề quan trọng như thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, nhân rộng mô hình hợp tác công tư, cải thiện nguồn nhân lực hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các ý kiến chất lượng của các đại biểu về định hướng phát triển bền vững của Việt Nam thời gian tới về kinh tế, đầu tư, nguồn nhân lực... Thủ tướng khẳng định phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển. Do đó, chủ trương phát triển bền vững được thể hiện nhất quán trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Cùng với đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý một số vấn đề tồn tại về phát triển bền vững; đồng thời chỉ rõ: "Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị và mọi thành phần trong xã hội. Chính vì vậy, cần tập trung cả ý chí, chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững. Báo cáo phát triển con người của Liên hợp quốc đã xác định rõ mục tiêu duy nhất là đưa con người vào trọng tâm của quá trình phát triển; con người là trung tâm của quá trình phát triển bền vững, đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Xây đựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh là nguyên tắc quán triệt nhất quán trong giai đoạn phát triển".
Thủ tướng cũng cho rằng cần thực hiện đồng bộ chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…; tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào chất lượng nguồn nhân lực ở vùng sâu, vùng xa về cả thể lực và trí lực; tăng cường hiệu quả làm việc; đồng thời đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; có giải pháp đột phá khuyến khích doanh nghiệp và người dân đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.