Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường ở hầu hết các quốc gia và nền kinh tế, kim nghạch thương mại, xuất khẩu năm 2021 của Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh và tiếp tục có xuất siêu là kết quả ngoài mong đợi.
Trong năm 2022, mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đã tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Và việc tận dụng tốt các cơ hội từ FTA mang lại sẽ giúp lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Ảnh minh họa. Nguồn: moit.gov.vn |
Theo số liệu thống kê, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong trong năm 2021 đạt 668,55 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 463,4 tỷ USD. Đây có thể nói là thành tích rất đáng tự hào của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, tác động trực tiếp đến các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp lớn, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hoá của Việt Nam.
Xuất khẩu 2021 vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid-19
Mặc dù chỉ chiếm chưa tới 15% giá trị xuất khẩu của toàn nền kinh tế, song, nông nghiệp lại là lĩnh vực đem đến những “động lực mới” cho tăng trưởng xuất khẩu năm 2021. Thành công lớn nhất của xuất khẩu nông sản nói riêng xuất khẩu nói chung trong năm nay chính là ở chỗ Việt Nam đã giữ được các thị trường xuất khẩu truyền thống (Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tăng 27,5%; tiếp đến là Trung Quốc, Liên minh châu Âu - EU, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hàn Quốc, Nhật Bản...). Cùng với đó, việc doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng khá tốt cơ hội từ các FTA nhất là các hiệp định FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), đã vừa giúp đa dạng hoá thị trường, vừa mở rộng xuất khẩu nhiều loại hàng hoá vốn có lợi thế sang các thị trường có tiềm năng, cho giá trị gia tăng cao hơn.
Đóng góp vào thành công chung đó phải kể đến nỗ lực của mọi cấp ngành đến từng doanh nghiệp và người dân để duy trì sản xuất, lưu thông hàng hoá trong bối cảnh dịch bệnh hết sức phức tạp. Có những khu vực, ngành nghề luôn duy trì sản xuất ngay cả khi dịch bệnh diễn biến phức tạp như công nghiệp điện tử, máy móc thiết bị, linh kiện… hay nhiều lĩnh vực đã tăng tốc bứt phá ngoạn mục trong bối cảnh “bình thường mới” như dệt may, da giày…
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương. Ảnh:congthuong.vn |
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho rằng: "Trong nhóm hàng công nghiệp thì chúng ta cũng nhìn thấy nhóm hàng liên quan đến các sản phẩm máy móc, thiết bị điện tử có giá trị rất lớn… Ngoài ra còn các ngành hàng truyền thống, đặc biệt là dệt may và da giầy thì đợt giãn cách ở các tỉnh, thành phía Nam giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 cũng có tác động rất lớn. Tuy nhiên, trong 2 tháng cuối năm vừa qua thì chúng ta thấy sự phục hồi của các doanh nghiệp dệt may, da giày cũng rất nhanh… thì đây là những thành tựu rất quan trọng, tạo nên bức tranh chung về xuất khẩu rất khả quan."
Tận dụng cơ hội từ các FTA
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy trong năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực thị trường EU tăng 10,6%, sang thị trường Vương quốc Anh và Bắc Ailen tăng 14,5%, sang các thị trường CPTPP chưa có FTA trước đây với Việt Nam tiếp tục ghi nhận tăng trưởng cao, đáng kể như xuất khẩu sang Canada tăng 17,6%, Mexico 43,9%, Peru 84,3%...
Ông Trần Thanh Hải cho rằng: "Năm 2022 thì chúng ta thấy trước mắt yếu tố dịch bệnh vẫn tiềm ẩn và khó đoán định. Nếu mà có những bùng phát lớn về dịch bệnh thì vẫn có thể có tác động nhất định đến hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, về cơ bản với cơ sở hạ tầng cũng như lực lượng lao động mà chúng ta vẫn đang duy trì được như hiện nay, và với đà như hiện nay thì chúng ta vẫn có thể tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng như trong thời gian vừa qua, đặc biệt là khi chúng ta có những hiệp định thương mại mới từ đầu năm 2022 - Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực thì cũng sẽ tạo thêm xung lực mới để các doanh nghiệp của chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường."
Những nỗ lực mở cửa thị trường thông qua đàm phán thương mại song phương và đa phương của Chính phủ nhằm tháo gỡ các rào cản, minh bạch hóa các tiêu chuẩn, quy định tại thị trường đối tác giúp xuất khẩu đã có sự tăng trưởng cân đối hơn, không chỉ về quy mô chiều rộng mà hướng tới cả về chiều sâu. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tiếp cận được các khu vực thị trường được coi là “khó tính” nhất trên thế giới, nơi đặt ra những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là với nhóm hàng nông sản và thủy sản.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Chúng ta có nhiều những cơ hội để mở rộng xuất khẩu, dựa trên cơ sở khai thác các FTA thế hệ mới thì đây là những cơ hội rất tích cực. Ngoài ra nữa thì chất lượng sản phẩm xuất khẩu cũng giúp chúng ta vào được những thị trường mới. Tôi cho rằng việc khai thác các FTA thế hệ mới, nhất là CPTPP, AVFTA và RCEP trong thời gian tới cũng là điều rất quan trọng."
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các FTA đã tạo cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Chính vì vây, trong năm 2022, các doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam đã và đang nỗ lực kết nối giao thương, xúc tiến thương mại trực tuyến và quảng bá thương hiệu, sản phẩm… đồng thời, tận dụng các lợi thế của các FTA để đưa hàng hóa Việt Nam vươn xa đến các thị trường trên toàn cầu