Tấn công tên lửa khắp Trung Đông, nguy cơ xung đột lan rộng trên nhiều mặt trận

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Hôm 20/01, Iran cho biết ít nhất 4 cố vấn cấp cao của nước này thiệt mạng trong một cuộc tập kích tên lửa ở thủ đô Damascus, Syria.

Tehran nghi ngờ vụ tập kích có liên quan đến Israel và tuyên bố sẽ đáp trả.

Một loạt vụ tập kích tên lửa nhằm vào Syria, Lebanon, Iraq, Yemen và các màn không kích lẫn nhau giữa Iran và Pakistan đang đẩy căng thẳng tại Trung Đông - Nam Á lên cao hơn bao giờ hết, khiến xung đột từ Gaza có nguy cơ lan rộng ra nhiều mặt trận.

Leo thang bạo lực

Ít giờ sau vụ không khích tại Damascus, một vụ tấn công bằng phương tiện bay không người lái (UAV) diễn ra tại thành phố cảng Tyre, ở miền Nam Lebanon, khiến 2 người, được cho là thành viên của lực lượng Herzbollah, thiệt mạng. Cũng giống vụ không kích tại Damascus, quân đội Israel bị cáo buộc đứng sau vụ tập kích này. Cùng ngày 20/01, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho hay lực lượng vũ trang ở Iraq, được cho là do Iran hậu thuẫn, tấn công tên lửa và rocket vào căn cứ không quân al-Asad của Mỹ, khiến một số quân nhân Mỹ bị thương. Trong khoảng thời gian đó, tại Biển Đỏ lực lượng liên quân Mỹ-Anh duy trì các cuộc không kích vào lực lượng Houthi ở Yemen và để đáp trả Houthi đã tấn công làm hư hại tàu hàng Zografia mang cờ Hy Lạp hôm 16/01 và liên tiếp nhằm mục tiêu vào các tàu quân sự Mỹ-Anh.

Tất cả các diễn biến này khiến mồi lửa xung đột tại dải Gaza có nguy cơ lan rộng ngoài tầm kiểm soát. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra tại Davos (Thụy Sỹ) tuần trước, khủng hoảng Trung Đông là một trong những chủ đề thảo luận căng thẳng nhất, khi nhiều quan chức các nước Arab gửi đi các thông điệp mạnh mẽ về việc các nước phương Tây cần gây sức ép buộc Israel sớm chấm dứt xung đột tại Gaza, trước khi quá muộn. Theo Ngoại trưởng Saudi Arabia, Faisal Bin Farhan Al Saud, căng thẳng trong khu vực đã lên đến mức độ vô cùng nguy hiểm và mấu chốt vẫn nằm tại Gaza, chứ không phải tại Biển Đỏ: "Chúng ta cần phải tập trung vào cuộc chiến tại Gaza không phải vì có vấn đề Biển Đỏ, mà bởi trước tiên là tác động của nó đến người dân Palestine và về tổng thể là đến an ninh khu vực, cũng như các rủi ro leo thang mà nó đặt ra”.

Các vụ leo thang tấn công tên lửa chồng chéo cũng đang khiến triền vọng thiết lập các giải pháp chính trị-ngoại giao trong khu vực trở nên u ám. Sau tuyên bố hôm 19/01 của Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, rằng chính phủ của ông phản đối việc thành lập nhà nước Palestine, tiến trình hòa bình tại Trung Đông có nguy cơ rơi vào ngõ cụt. Tại Davos, các quan chức Saudi Arabia nhiều lần khẳng định sẽ không có việc bình thường hóa quan hệ với Israel nếu xung đột tại Gaza không chấm dứt và giải pháp 2 nhà nước được thực thi. Đa số đồng minh phương Tây của Israel cũng không ủng hộ quan điểm cứng rắn của Israel. Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Josep Borrell tuyên bố: “Tôi có quan điểm khác biệt. Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) cũng có quan điểm khác và ông ấy đã nói rất rõ rằng việc Israel nói “không muốn giải pháp này” là không thể chấp nhận được bởi đó là giải pháp đã được LHQ thông qua, với cả cộng đồng quốc tế đứng sau”.

Nguy cơ mặt trận xung đột mới

Trong khi xung đột tại Gaza bắt đầu lan ra khu vực, một sự kiện khác có thể đẩy toàn bộ khu vực Trung Đông- Nam Á vào tình trạng hỗn loạn hơn, là căng thẳng giữa Iran và Pakistan. Hôm 16/01, quân đội Iran bất ngờ mở cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV vào một số mục tiêu tại tỉnh Balochistan của Pakistan với giải thích là nhằm tiêu diệt nhóm phiến quân chống Iran mang tên Jaish al-Adl đang ẩn náu tại đây. Để đáp trả, Pakistan hôm 18/01 tấn công tên lửa vào tỉnh Sistan-Baluchistan của Iran, cũng với lí do giống Iran là nhằm tiêu diệt các nhóm ly khai thù địch với nước này.

Việc Iran và Pakistan bất ngờ gia tăng căng thẳng và có các hành động quân sự nhằm trực tiếp vào lãnh thổ của nhau khiến giới quan sát bất ngờ bởi nếu các xung đột trực tiếp này leo thang, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng đối với 2 quốc gia và khu vực, do Iran và Pakistan đều là các cường quốc quân sự khu vực, có lực lượng vũ trang thông thường đông đảo. Abdullah Khan, chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu xung đột và an ninh Pakistan, phân tích: “Những phản ứng ban đầu từ phía Iran sau vụ đáp trả của Pakistan cho thấy Iran có lẽ sẽ không thực hiện thêm chiến dịch nào bên trong lãnh thổ Pakistan nhưng không thể loại trừ điều gì. Một điều gì đó có thể xảy ra và có thể làm căng thẳng leo thang và xung đột lan rộng. Cả hai khả năng này đều có thể”.

Tuy nhiên, đa số các chuyên gia cho rằng vào thời điểm này cả Iran lẫn Pakistan đều đang trong tình trạng đối mặt với nhiều vấn đề đối nội cũng như sức ép an ninh lớn từ bên ngoài, nên sẽ không có lợi nếu xung đột diễn biến trầm trọng hơn. Theo chuyên gia Suzanne Maloney, Phó Chủ tịch Viện Brookings (Mỹ), quan ngại an ninh lớn nhất tại khu vực vẫn là các xung đột liên quan trực tiếp đến diễn biến tại Gaza, cụ thể là căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ và nguy cơ bùng phát xung đột trực tiếp giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon đang ngày càng lớn hơn, trong bối cảnh chiến sự tại Gaza chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu