Tác động của bầu cử Israel tới tương lai chính trị ở Trung Đông

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Ngày 17/09, các cử tri Israel đi bỏ phiếu lần thứ 2 trong năm nay. 

Kết quả cuộc bỏ phiếu sẽ quyết định vận mệnh chính trị của Thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu, một nhà lãnh đạo theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, bảo thủ và cứng rắn. Ông Netanyahu có chiến thắng trong nhiệm kỳ lần này hay chấm dứt sự nghiệp chính trị kéo dài 10 năm liên tiếp trên chính trường Israel hay không? Điều này cũng ảnh hưởng đến tương lai khu vực Trung Đông.

Đây là cuộc bỏ phiếu lần thứ 2 trong vòng 6 tháng qua ở Israel, là cuộc đua giữa đảng Likud của đương kim Thủ tướng B. Netayahu với đảng Xanh – Trắng của cựu Tổng Tham mưu trưởng, Tướng Benny Gantz. Trong cuộc bầu cử hồi tháng 4 vừa qua, đảng Likud của ông Netanayahu cùng các đảng cánh hữu và Do Thái chính thống đã giành được đa số ghế tại Quốc hội nhưng không thể thành lập được liên minh do bất đồng về đạo luật nghĩa vụ quân sự đối với các thanh niên Do Thái chính thống. Tình trạng bế tắc này buộc ông Netanyahu đi tới quyết định giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm lần này.

Tác động của bầu cử Israel tới tương lai chính trị ở Trung Đông - ảnh 1Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Nguồn ảnh từ TTXVN 

Vẫn là sách lược cũ

Trước thềm cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đốt nóng bầu không khí khu vực với hàng loạt tuyên bố và phát ngôn. Đầu tiên là khẳng định nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử, điều đầu tiên ông làm là sáp nhập ngay thung lũng Jordan, một phần của Bờ Tây, vào lãnh thổ Israel. Trước đó, vị lãnh đạo 69 tuổi này cũng công khai tiết lộ những bằng chứng về việc Iran có cơ sở phát triển vũ khí hạt nhân bí mật, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Iran vẫn đang hết sức căng thẳng. Động thái này được xem như một cử chỉ sẵn sàng hết lòng với đồng minh Mỹ. Chưa hết, trước thềm bầu cử, Thủ tướng đương nhiệm xuất hiện ở Moscow tay bắt mặt mừng với Tổng thống Vladimir Putin. Thủ tướng Netanyahu cũng ráo riết xúc tiến ký kết Hiệp ước Phòng thủ lịch sử giữa Tel Aviv và Washington. 

Tất cả những động thái này được giới quan sát nhìn nhận là không có nhiều bất ngờ, bởi các nước cờ lần này của nhà lãnh đạo Israel không mới mà chỉ là “bổn cũ soạn lại”, vốn đã từng được áp dụng tại cuộc bỏ phiếu lần thứ nhất hồi tháng 4 năm nay, với mục tiêu vẫn là thu hút và lôi kéo sự ủng hộ của các cử tri dưới chiêu bài “bảo vệ lợi ích quốc gia và mở rộng lãnh thổ”. 5 tháng trước, trước thềm bầu cử tháng 4, ông Netanyahu cũng từng hành động tương tự khi vận động Tổng thống Donald Trump công nhận Cao nguyên Golan thuộc Israel. Bởi vậy, cam kết sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây đã nằm trong chiến lược tranh cử của ông Netanyahu ngay từ cuộc bầu cử hồi tháng 4 vừa qua. Tương tự, nếu trước bầu cử tháng 4, Thủ tướng B.Netanyahu đã tới Washington thì một tuần trước bầu cử lần này, ông lại thực hiện chuyến công du tới Moscow để thúc đẩy song phương với người đồng cấp Vladimir Putin.

Tái định hình bất ổn Trung Đông

Sự nhạy bén chính trị và sách lược lấy lòng cử tri của nhà lãnh đạo B.Netanyahu, được dự báo nhiều khả năng sẽ giúp ông Netanyahu tiếp tục giành chiến thắng sít sao trước đối thủ “nặng ký” là đảng trung dung Xanh-Trắng do cựu Tham mưu trưởng quân đội Benny Gantz đứng đầu.

Điều này đồng nghĩa với việc làm tiêu tan bất kỳ hy vọng còn sót lại nào về một giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, tái định hình những bất ổn ở Trung Đông. Trên thực tế, dù đảng nào dành chiến thắng thì chủ trương thôn tính Bờ Tây là lợi ích an ninh của Nhà nước Israel, là chính sách "không khoan nhượng" của Tel Aviv. Bởi vậy, tuyên bố sáp nhập thung lũng Jordan, một phần của Bờ Tây, vào lãnh thổ Israel, khiến dư luận khu vực “dậy sóng” và khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Điều này đe dọa trực tiếp tới tiến trình hòa bình Trung Đông, hủy hoại triển vọng khôi phục các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine. Tuyên bố của ông Netanyahu, nếu được hiện thực hóa, sẽ xóa bỏ mọi nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột Israel – Palestine, đồng thời khoét sâu những bất đồng và thậm chí sự thù địch giữa các nước Arab với Israel vốn đã tồn tại dai dẳng nhiều năm qua. 

Bên cạnh đó, động thái của nhà lãnh đạo Israel có thể tạo ra tiền lệ xấu ở khu vực cũng như trên thế giới khi một bên sử dụng sức mạnh quân sự hay kinh tế của mình để thực thi những chính sách bành trướng, thôn tính đất đai. Đồng thời, kế hoạch này có nguy cơ làm xói mòn các nghị quyết, hiệp ước quốc tế, làm suy yếu luật pháp quốc tế. Ngoài ra, hành động của Thủ tướng Israel có thể một lần nữa kích động làn sóng bài Do Thái ở không chỉ các vùng lãnh thổ của Palestine mà có thể lan rộng khắp các nước ở Trung Đông và rộng hơn có thể là cả thế giới Hồi giáo và Arab. An ninh ở Trung Đông một lần nữa đứng trước nguy cơ và thử thách lớn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu