Sức mạnh tiềm tàng và định hướng phát triển Việt Nam trong Văn kiện Đại hội 13

Lại Hoa-Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Tựu trung lại là định hướng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc với mục tiêu đến giữa thế kỷ 21 sẽ trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Dự thảo Văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam có một số điểm mới, từ chủ đề Đại hội, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát đến định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược của Việt Nam. Tựu trung lại là định hướng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc với mục tiêu đến giữa thế kỷ 21 sẽ trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây có thể xem là điểm nhấn trong dự thảo Văn kiện và của Đại hội 13, phản ánh nhận thức mới của Đảng về sức tiềm tàng và phương thức phát triển của đất nước trong bối cảnh mới.

Sức mạnh tiềm tàng và định hướng phát triển Việt Nam trong Văn kiện Đại hội 13 - ảnh 1

Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương.  Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết: khát vọng phát triển “đất nước phồn vinh, hạnh phúc” không phải là “huyễn tưởng” mà là một khát vọng bắt nguồn từ niềm tin vững chắc vào cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; vào bản lĩnh và kinh nghiệm dầy dặn mà Đảng, nhân dân Việt Nam đã kiểm nghiệm, đúc kết trong thực tiễn lao động, sáng tạo. Đó cũng không phải là khát vọng giản đơn, xuôi chiều mà là khát vọng được bồi đắp trên cơ sở phân tích dự báo, lường đoán kỹ những thời cơ thuận lợi, có thể nắm bắt và phát huy: Khát vọng phát triển đất nước là nhân tố rất mới, thực sự là nhân tố thể hiện sức mạnh nội sinh tiềm tàng của dân tộc ta. Vấn đề đặt ra là khát vọng phát triển thế nào? Dự thảo đặc biệt nhấn mạnh yếu tố "hạnh phúc" của nhân dân. Qua dịch Covid-19 chúng ta càng hiểu, không phải cứ thu nhập cao là sung sướng, cứ tốc độ tăng trưởng nhanh là sung sướng, mà quan trọng nhất là cuộc sống bình yên và hạnh phúc.

Sức mạnh tiềm tàng và định hướng phát triển Việt Nam trong Văn kiện Đại hội 13 - ảnh 2Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ảnh:
Doãn Tấn/TTXVN

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc không chỉ là mơ ước mà là khát vọng mang sức sống hiện thực, được hình thành, bồi đắp trên cơ sở khoa học về lộ trình, hướng đích với những bước đi được dự liệu rõ ràng. Kế thừa hoàn thiện những mục tiêu đã được xác định từ những Đại hội Đảng trước đây, căn cứ vào điều kiện, khả năng thực tế của đất nước và xu thế phát triển của thế giới, dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ 13 của Đảng xác định mục tiêu cụ thể để đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Điều cần thiết đối với người dân không chỉ là vật chất mà còn là hạnh phúc và nhu cầu văn hóa, tri thức:    Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc. Cho nên, quan điểm của tôi là xây dựng một đất nước hạnh phúc, nhân dân hạnh phúc, đất nước giàu mạnh. Vừa qua, lần đầu tiên có một Văn kiện của một tỉnh đã đưa “hạnh phúc” vào tiêu chí. Một là tiêu chí hài lòng của nhân dân, thứ hai tiêu chí về sức khỏe. Tôi cho đó là điểm mới.

Mục tiêu phát triển bền vững để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phải được thực hiện thông qua các giải pháp quản lý phát triển xã hội hiệu quả để giải quyết hài hòa quan hệ xã hội, bảo đảm sự ổn định và phát triển xã hội bền vững, kiểm soát và xử lý rủi ro, bảo đảm người dân đều được tự do, bình đẳng, có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện. Thực hiện công bằng xã hội phải gắn kết chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng: Thực hiện công bằng xã hội là gắn kết giữa chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành của sự nghiệp đổi mới: Phải đảm bảo tốt an sinh xã hội để mọi người dân đều có đời sống ở mức tối thiểu, đây chính là an sinh xã hội và bản chất của nhà  nước chúng ta là an sinh xã hội và đó chính là sàn an sinh xã hội. Mong muốn của chúng ta hiện nay là mọi người dân trên đất Việt không ai sống thấp hơn sàn an sinh xã hội. Đây là quan điểm, tư tưởng của Đảng và chúng ta phải tiếp tục thực hiện nâng mức trợ cấp xã hội, ưu đãi người có công. Chúng ta càng thực hiện chính sách xã hội thì khoảng cách giàu nghèo thu hẹp lại.

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đặc biệt phải gắn liền với quá trình xây dựng và phát huy giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và giá trị chuẩn mực, cùng sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Đồng thời gắn liền với phát huy đồng bộ hệ động lực phát triển: dân chủ xã hội chủ nghĩa, đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, nguồn nhân lực chất lượng cao; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu