Quốc dân Đại hội Tân Trào – tiền thân của Quốc hội Việt Nam

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Ngày 16/8/1945, trước thời khắc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Quốc dân Đại hội được tổ chức tại Đình Tân Trào (Tuyên Quang). Quốc dân Đại hội Tân Trào đã thể hiện tinh thần đoàn kết nhất trí của dân tộc Việt Nam quyết tâm thực hiện đường lối tổng khởi nghĩa, xóa bỏ chế độ nô dịch thực dân, phong kiến, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho một chế độ mới.
(VOV5) - Ngày 16/8/1945, trước thời khắc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Quốc dân Đại hội được tổ chức tại Đình Tân Trào (Tuyên Quang) với sự tham dự của đại biểu đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số kiều bào ở nước ngoài. Quốc dân Đại hội Tân Trào đã thể hiện tinh thần đoàn kết nhất trí của dân tộc Việt Nam quyết tâm thực hiện đường lối tổng khởi nghĩa, xóa bỏ chế độ nô dịch thực dân, phong kiến, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho một chế độ mới.
 
Quốc dân Đại hội Tân Trào – tiền thân của Quốc hội Việt Nam - ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Quốc dân Đại hội Tân Trào (tranh minh hoạ)

Quốc dân Đại hội Tân Trào đã khẳng định một tiến bộ lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc, phù hợp với xu thế phát triển của văn minh nhân loại, thể hiện quyền tự do, dân chủ của một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Mặc dù có số lượng đại biểu không nhiều (hơn 60 đại biểu), nhưng đây được coi là một đại hội mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội, một cơ quan quyền lực nhà nước lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Đại diện cho toàn dân quyết định vận mệnh dân tộc

Tại Đại hội, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Trường Chinh, đọc báo cáo trong đó nhấn mạnh hai vấn đề lớn: Tổng khởi nghĩa và bầu Ủy ban dân tộc giải phóng (tức Chính phủ cách mạng lâm thời). Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương lãnh đạo quần chúng nổi dậy tước vũ khí của Nhật, giành lấy chính quyền. Trên cơ sở đó, Đại hội đã tán thành chủ trương của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, quyết định phát động Tổng khởi nghĩa, lãnh đạo quần chúng nổi dậy, giành chính quyền từ tay quân Nhật, thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, quy định về Quốc kỳ, Quốc ca và nhiều chiến lược quan trọng khác của cách mạng Việt Nam. 10 điểm trong chính sách của Việt Minh được đại hội thông qua như: Tiến hành võ trang nhân dân; Tịch thu tài sản của giặc và Việt gian sung công và chia cho dân nghèo…Chính sách 10 điểm cũng quyết định đem lại quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ và nhiều quyền khác liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân lúc bấy giờ.

 

Tiếp nối thành công của Quốc dân Đại hội, sau khi giành được độc lập, nhân dân Việt Nam tiến hành thắng lợi cuộc tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và xây dựng Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam độc lập. Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng: “Quốc dân Đại hội Tân trào chính là tiền thân của Quốc hội Việt Nam. Đây là kết quả của tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhờ có quyết sách được thông qua tại đây mà sau đó Cách mạng tháng 8 thành công. Trên cơ sở đó, Hồ Chủ tịch tuyên bố rành mạch rằng phải sớm tổ chức ngay tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Như vậy, hơn 4 tháng sau khi Quốc dân Đại hội Tân Trào, chúng ta có tổng tuyển cử và có Quốc hội khóa I”.

 

Để lại những gía trị về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc  

Đại hội Quốc dân Tân Trào mang tầm vóc lịch sử như hội nghị Diên Hồng của cách mạng. Quốc dân Đại hội Tân Trào là sáng tạo độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Tổng bộ Việt Minh trong việc phát huy ý chí, sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, khởi nguồn cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Quốc dân Đại hội Tân Trào cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý đối với hoạt động của Quốc hội hiện nay, trong đó có bài học về phát huy ý chí, sức mạnh dân tộc; đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chiến lược trong từng giai đoạn cách mạng; thể hiện tinh thần dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do nhân dân và vì nhân dân; khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Trải qua gần 70 năm, từ Quốc dân đại hội Tân Trào tiến tới sự ra đời của Quốc hội khóa I đến nay, 13 khóa Quốc hội là quá trình liên tục kế thừa, không ngừng đổi mới cả về tổ chức và hoạt động, Quốc hội đã phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”.

 

Sự ra đời của Quốc dân Đại hội Tân Trào cách đây 70 năm là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Những giá trị mà Quốc dân Đại hội Tân Trào để lại sẽ tiếp tục được vận dụng sáng tạo trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam, góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu