Tân Trào – Nơi khởi nguồn và chở che cho Cách mạng

Lại Hoa, Minh Châm
Chia sẻ
(VOV5) - Những ngày mùa Thu tháng Tám của 70 năm về trước, từ Khu Giải phóng Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, lệnh Tổng Khởi nghĩa được truyền đi khắp cả nước. 
(VOV5) - Những ngày mùa Thu tháng Tám của 70 năm về trước, từ Khu Giải phóng Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, lệnh Tổng Khởi nghĩa được truyền đi khắp cả nước. Hơn 20 triệu người dân Việt Nam đã đứng lên khởi nghĩa, làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân. 


Tân Trào – Nơi khởi nguồn và chở che cho Cách mạng - ảnh 1
Di tích lịch sử cây đa Tân Trào trước sân đình Tân Trào

Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Ngày 21/05/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Cao Bằng trở về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào Cách mạng cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn xã Tân Trào làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa Cách mạng. Nơi ở đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về Tân Trào là nhà ông Nguyễn Tiến Sự, khi ấy là Chủ nhiệm Việt Minh xã Tân Trào. Bà Hoàng Thị Mai, con dâu ông Sự cho biết: Khi về làm dâu, bà được nghe kể nhiều câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người ở gia đình bà. Tại đây, ngoài giờ làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường cùng ông Nguyễn Tiến Sự đến một số gia đình trong làng, thăm hỏi sức khỏe, tặng quà cho các cụ già, trẻ nhỏ. Ngày ấy, người dân trong làng gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh với cái tên rất đỗi thân mật và kính yêu “Ông Ké”. Bà Hoàng Thị Mai cho biết: 
“Bố mẹ chồng tôi kể lại là Chủ tịch Hồ Chí Minh về đây họp và ở lại 1 tuần. Ngày xưa tôi không biết là Chủ tịch Hồ Chí Minh đâu,chỉ biết là ông Ké thôi. Lên lán được 1 tuần thì Chủ tịch Hồ Chí Minh ốm. Ông bà, bố mẹ, chồng tôi lấy thuốc cho Người uống và khỏi. Mẹ chồng tôi làm xôi, cơm thịt gà và nhà tôi đưa cơm đưa canh lên. Ông, bà tôi khó khăn nhưng vẫn giúp đỡ cách mạng”.

Đến tháng 8 năm 1945, giữa lúc cao trào kháng Nhật cứu quốc đang diễn ra sôi sục, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị phải gấp rút triệu tập Quốc dân Đại hội Tân Trào để thành lập Chính phủ lâm thời Cách mạng, lãnh đạo cuộc Cách mạng của nhân dân Việt Nam. Ông Hoàng Ngọc ở làng Tân Lập, xã Tân Trào nhớ lại: Khi ấy, tôi mới 10 tuổi, các cán bộ về dự Quốc dân Đại hội đã ở nhà mình và một số gia đình khác. Trong khi Đại hội đang họp, một đoàn đại biểu thay mặt nhân dân Tân Trào đã đến chào mừng Đại hội và ông Hoàng Ngọc đã vinh dự có mặt trong đoàn thiếu nhi. Ông kể: "Người dân nghèo, chẳng có gì nhiều nhưng đã gom góp mang gạo, gà và một con bò mừng Chính phủ Cách mạng lâm thời mới được bầu. 
Chúng tôi ở đây là dân tộc Tày, qua thời kỳ đô hộ thấy khổ lắm. Sau khi Cách mạng đến, được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục tinh thần Cách mạng thì tất cả nhân dân các dân tộc chúng tôi phấn khởi, hồ hởi. Tất cả tập trung vào giúp đỡ Cách mạng. Có gì là đều đưa ra ủng hộ và làm Cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói như thế nào, cán bộ Cách mạng nói thế nào thì chúng tôi đều làm theo cả”.

Còn với cụ bà Nông Thị Mơ, dù đã ở tuổi ngoài 90, mắt đã mờ, tai không còn nghe rõ song ký ức về những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cán bộ Cách mạng về sống ở Tân Trào vẫn còn nguyên vẹn. Ngày đấy, bà cùng chị em trong làng ủng hộ Cách mạng bằng việc giã gạo nuôi quân. Không khí lao động diễn ra khẩn trương, nhanh chóng. Bà Mơ còn nhớ những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó là “giã gạo cũng là đánh giặc, giã gạo nuôi quân ăn no mới đánh được giặc”. Trong những ngày diễn ra Quốc dân Đại hội, bà vinh dự được nấu cơm phục vụ Đại hội. Bà Nông Thị Mơ kể lại: “Tháng 8, Đại hội Quốc dân Tân Trào, tôi nấu cơm đi phục vụ quân ông Ké có 8 người, nấu cơm xong ăn tất cả ở đấy. Xong ông chú tôi bảo hôm nay họp Đại hội Quốc dân, bầu Chính Phủ. Lúc đó gọi là Bác, Bác nói cứ gọi là đồng chí Cụ thôi”.

Người dân Tân Trào, núi rừng Tân Trào đã nuôi giấu, che chở cho Cách mạng, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Đảng, cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho Cách mạng trong những ngày tiền khởi nghĩa. Nơi đây chính là trung tâm chỉ đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, đóng vai trò quan trọng vào thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
Đinh Long Giang

Tôi có ông bác tên là Đinh Thế Đan, ở tỉnh Hòa Bình ( ngày đó là thôn Mỹ Hòa - Tổng Lạc Thiện - Châu Lạc Sơn - Tỉnh Hòa... Xem thêm